Những điều cần biết về hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân
Mục lục
Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp khá đặc biệt trong hệ thống các loại hình doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam. Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân, cũng như các quy định pháp lý liên quan được pháp luật quy định cụ thể tại Luật Doanh nghiệp hiện hành và các văn bản pháp lý liên quan khác.
Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân được biết đến như một loại tài sản sở hữu riêng của chủ sở hữu doanh nghiệp. Chủ sở hữu có toàn quyền quyết định các hoạt động của doanh nghiệp tư nhân mà không cần phải thông qua ý kiến của bất kỳ ai. Theo quy định tại Điều 188, doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp mang 04 đặc điểm pháp lý sau:
“1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.”
Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân
Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân mới khá đơn giản. Cụ thể, tại Điều 19 Luật Doanh nghiệp 2020 yêu cầu thành phần hồ sơ chỉ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các tài liệu này, bạn có thể thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp mình đặt trụ sở chính để được xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân
Một điểm đặc biệt đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân, đó là chủ sở hữu doanh nghiệp có thể thực hiện các hoạt động như bán, tặng cho, để thừa kế lại đối với doanh nghiệp mà mình sở hữu. Trong những trường hợp này, bạn không cần thực hiện lại hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp; thay vào đó, bạn phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân. Khoản 1 Điều 54 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có hướng dẫn thành phần hồ sơ ở trường hợp này bao gồm:
“a) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người bán, người tặng cho và người mua, người được tặng cho doanh nghiệp tư nhân đối với trường hợp bán, tặng cho doanh nghiệp tư nhân; chữ ký của người thừa kế đối với trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết;
b) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua, người được tặng cho doanh nghiệp tư nhân, người thừa kế;
c) Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán trong trường hợp bán doanh nghiệp tư nhân; hợp đồng tặng cho trong trường hợp tặng cho doanh nghiệp tư nhân; bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế trong trường hợp thừa kế.”
Lưu ý về hoạt động quản lý doanh nghiệp tư nhân
Sau khi hoàn tất hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân và đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động, cần lưu ý một số hoạt động quản lý như sau:
- Chủ doanh nghiệp tư nhân phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh vẫn là chủ doanh nghiệp
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.