Những điều cần biết về hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ cá thể
Mục lục
Hình thức kinh doanh hộ cá thể là hình thức kinh doanh do một cá thể hay một gia đình thành lập. Hộ kinh doanh cá thể được hưởng các quyền và phải thực hiện những nghĩa vụ được pháp luật quy định. Trong đó, đặc biệt là quyền được phép tiến hành những hoạt động kinh doanh hợp pháp. Vậy hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ cá thể gồm những gì, cách điền hồ sơ đăng ký và thủ tục đăng ký ra sao?
1. Hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ cá thể bao gồm những gì?
Số lượng và loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kinh doanh phụ thuộc vào số lượng người tham gia vào mô hình kinh doanh này. Cụ thể như sau:
1.1. Nếu chỉ có 1 chủ hộ kinh doanh
Nếu chỉ có 1 người tham gia và làm chủ hộ kinh doanh cá thể thì bộ hồ sơ đăng ký cần có những giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh cá thể.
- Bản sao công chứng CMND/CCCD/hộ chiếu của người đứng tên hộ kinh doanh.
- Bản sao hợp đồng thuê nhà, hợp đồng mượn nhà hoặc sổ đỏ (nếu chủ hộ đứng tên).
1.2. Nếu các thành viên cùng góp vốn
Nếu có nhiều thành viên trong gia đình cùng góp vốn thành lập hộ kinh doanh thì bộ hồ sơ đăng ký cần có những giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh cá thể.
- Bản sao công chứng CMND/CCCD/hộ chiếu của toàn bộ những thành viên cùng tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh cá thể.
- Bản sao hợp đồng thuê nhà, hợp đồng mượn nhà hoặc sổ đỏ (nếu chủ hộ đứng tên).
- Bản sao công chứng văn bản ủy quyền cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh cá thể.
- Bản sao công chứng biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh.
- Bản chính giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh.
- Bản sao công chứng chứng chỉ hành nghề (nếu có).
- Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu có).
2. Hướng dẫn cách viết giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Đầu tiên, người đăng ký chỉ cần tải file Phụ lục III trong website dichvucong.gov.vn về. Sau đó, chủ hộ cần xác định số lượng thành viên tham gia thành lập hộ kinh doanh. Tiếp theo, mở ra cuối trang số 2 trong file và bấm chọn dấu “+” để thêm vào đủ số ô tương ứng với số người tham gia thành lập (bao gồm chủ hộ). Sau đó, chủ hộ làm theo hướng dẫn sau:
- Phần kính gửi: Điền đơn vị hành chính cấp quận hoặc tương đương. Ví dụ, quận 1, thành phố Hưng Yên.
- Từ phần “Tôi là” đến hết trang thứ nhất: Điền thông tin của chủ hộ kinh doanh cá thể.
- Mục 1: Điền tên hộ kinh doanh bằng chữ in hoa.
- Mục 2: Điền địa chỉ trụ sở của hộ kinh doanh.
- Mục 3: Điền ngành nghề đăng ký kinh doanh. Chú ý chú thích số 1 ở cuối trang số 2.
- Mục 4: Điền vốn kinh doanh. Nếu ngành nghề đăng ký có vốn pháp định thì vốn kinh doanh phải lớn hơn vốn pháp định mà luật đưa ra.
- Mục 5: Điền số lượng lao động của hộ kinh doanh, tối đa là 9 người.
- Mục 6: Nếu chủ hộ là người thành lập hộ kinh doanh thì đánh dấu X vào ô Chủ hộ. Còn nếu các thành viên trong hộ gia đình đều tham gia thành lập thì đánh dấu X vào ô Các thành viên hộ gia đình.
- Mục 7: Điền thông tin của các thành viên tham gia thành lập hộ kinh doanh.
- Ký tên: Chủ hộ kinh doanh ký tên và ghi rõ họ tên.
3. Thủ tục đăng ký kinh doanh hộ cá thể
Thủ tục đăng ký kinh doanh hộ cá thể bao gồm hai giai đoạn. Đầu tiên, chủ hộ hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ sẽ nộp giấy tờ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Trong thời gian 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan này sẽ cấp Giấy biên nhận và Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ thông báo cho người nộp hồ sơ hoặc chủ hộ kinh doanh về lý do và các yêu cầu sửa đổi hồ sơ.
Giai đoạn hai là giai đoạn khiếu nại. Nếu không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và cả thông báo về việc hồ sơ không hợp lệ thì chủ hộ kinh doanh có thể khiếu nại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện. Sau đó, cơ quan này sẽ bắt đầu giải quyết khiếu nại.
4. Những câu hỏi liên quan
Sau đây, chúng tôi sẽ giải đáp một số câu hỏi liên quan đến hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.
4.1. Nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh tại đâu?
Chủ hộ hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ cần nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện hay được hiểu là Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ngoài nộp trực tiếp, nhiều địa phương có hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến.
4.2. Đặt tên hộ kinh doanh sao cho hợp lệ?
Tên hộ kinh doanh được coi là hợp lệ khi thỏa mãn những điều kiện sau:
- Không trùng với hộ kinh doanh khác trong phạm vi cấp quận huyện.
- Tên hộ kinh doanh được đặt theo cú pháp Hộ kinh doanh + [Tên riêng của hộ kinh doanh]. Ví dụ, Hộ kinh doanh ĐÔNG TUYẾT.
- Tên hộ kinh doanh không bao gồm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.
- Tên hộ kinh doanh không chứa từ tiếng Anh, nếu có thì phải thêm dấu chấm giữa các ký tự. Ví dụ, Hộ kinh doanh C.L.I.F.F.