Mức lệ phí đăng ký kinh doanh hiện nay là bao nhiêu?
Mục lục
Quy định về mức đóng lệ phí đăng ký kinh doanh hiện nay là bao nhiêu? Mức phí cụ thể như thế nào? Nếu bạn đang thắc mắc về những vấn đề này thì hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Quyết định về mức đóng lệ phí đăng ký kinh doanh
1.1. Các trường hợp cần đóng lệ phí đăng ký kinh doanh
- Công ty xin cấp Giấy phép đăng ký công ty mới hoặc Giấy phép thay đổi nội dung đăng ký công ty.
- Cấp lại, thay đổi nội dung hoặc cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho chi nhánh, văn phòng đại diện cũng như cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh vào cơ sở dữ liệu quốc gia.
- Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trước đây đã có Giấy phép đăng ký kinh doanh bị mất, rách, đốt, tiêu hủy, làm sai lệch hoặc thay đổi thông tin về đơn vị trực thuộc.
- Ngoài ra, khi công bố thông tin thành lập công ty, đăng ký thay đổi nội dung trên giấy phép đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc thay đổi các nội dung khác liên quan đến ngành nghề kinh doanh và cổ đông nước ngoài thì cũng cần phải đóng phí theo quy định.
1.2. Các trường hợp không cần đóng lệ phí đăng ký kinh doanh
- Công ty thực hiện thay đổi, bổ sung thông tin do thay đổi địa giới hành chính.
- Tiến hành đăng ký giải thể công ty, ngừng kinh doanh, chi nhánh, văn phòng, địa điểm kinh doanh để ngừng hoặc chấm dứt hoạt động.
- Đăng ký kinh doanh trực tuyến thông qua internet.
- Trường hợp cơ quan nhà nước yêu cầu được cung cấp thông tin liên quan để tiến hành công việc theo quy định của pháp luật.
2. Mức lệ phí đăng ký kinh doanh quy định hiện nay
Căn cứ tại Phụ lục Biểu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 47/2019/TT-BTC quy định như sau:
Lệ phí đăng ký doanh nghiệp (bao gồm: Cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) là 50.000 đồng/lần.
Xem thêm: Lệ phí đăng ký kinh doanh hộ cá thể năm 2022
3. Thực hiện quản lý phí, lệ phí đăng ký kinh doanh như thế nào?
Căn cứ tại Điều 7 Thông tư 47/2019/TT-BTC quy định thực hiện quản lý phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp như sau:
Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh được trích 85% số tiền phí cung cấp thông tin doanh nghiệp thu được để chi cho các nội dung quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP. Nộp 15% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách hiện hành.
Đối với tổ chức thu phí là Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Tổ chức thu phí chuyển 70% số tiền phí cung cấp thông tin doanh nghiệp thu được vào tài khoản của Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh. Việc trích chuyển được thực hiện hàng tháng. Số tiền còn lại 30% nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách hiện hành. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
- Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ-CP thì chuyển 70% số tiền phí cung cấp thông tin doanh nghiệp thu được vào tài khoản của Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh. Việc trích chuyển được thực hiện hàng tháng. Số tiền còn lại 30% được sử dụng để trang trải cho việc thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP.
- Số tiền phí cung cấp thông tin doanh nghiệp do các Sở Kế hoạch và Đầu tư chuyển vào tài khoản của Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 7 Thông tư 47/2019/TT-BTC được xác định là 100% và phân bổ như sau: Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh được giữ lại 85% để chi cho các nội dung quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP. Nộp 15% vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách hiện hành.
Tổ chức thu lệ phí nộp 100% tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách hiện hành. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu lệ phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
4. Cơ quan nào có thẩm quyền thu lệ phí đăng ký kinh doanh?
Căn cứ tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Thông tư 47/2019/TT-BTC quy định như sau:
Tổ chức thu phí, lệ phí
1. Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh thuộc Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là tổ chức thu phí cung cấp thông tin doanh nghiệp.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là tổ chức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3. Cơ quan đăng ký đầu tư là tổ chức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp theo cơ chế một cửa liên thông.
Như vậy theo quy định trên thẩm quyền thu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp như sau:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là tổ chức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. –
- Cơ quan đăng ký đầu tư là tổ chức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp theo cơ chế một cửa liên thông.