Mẫu đăng ký kinh doanh
Mục lục
Thủ tục đăng ký kinh doanh hiện nay đã được quy định rất rõ ràng, giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc thành lập doanh nghiệp. Trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp cần có mẫu đăng ký kinh doanh, đây là tài liệu cần có độ chính xác cao để hồ sơ thành lập doanh nghiệp được chấp thuận. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn cách ghi mẫu đăng ký kinh doanh.
1. Mẫu đăng ký kinh doanh
Danh mục các mẫu văn bản sử dụng trong đăng ký kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 03 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân;
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH một thành viên;
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH hai thành viên trở lên;
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần;
- Danh sách thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh được trình bày theo những nội dung luật định và có trình tự rõ ràng. Bạn chỉ cần điền đúng những thông tin cần thiết trong mẫu giấy đăng ký kinh doanh là được.
Mẫu giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh được ban hành kèm theo Phụ lục số III-1 ban hành Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Người thành lập hộ kinh doanh chỉ cần điền những thông tin cần thiết vào mẫu giấy đăng ký. Việc kê khai thông tin trên mẫu đăng ký kinh doanh hộ cá thể tương đối đơn giản. Các thông tin cần được điền chính xác, rõ ràng.
Khi kê khai thông tin về ngành nghề, các bạn kê khai ngành nghề chính mà Hộ kinh doanh của bạn dự định kinh doanh. Ngành nghề sẽ được kê khai tại mã ngành cấp 4 thuộc danh mục Hệ thống ngành nghề Việt Nam.
2. Hồ sơ đăng ký kinh doanh
2.1. Hồ sơ hộ kinh doanh cá thể
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể gồm có:
- Mẫu đăng ký kinh doanh;
- Danh sách các cá nhân góp vốn thành lập hộ kinh doanh;
- Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình;
- Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
2.2. Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp đặc biệt thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể là cá nhân và phải chịu trách nhiệm về hoạt động của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của mình. Theo quy định tại Điều 19 Luật Doanh nghiệp 2020, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân chỉ yêu cầu:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.
2.3. Hồ sơ thành lập công ty TNHH 1 thành viên
Chủ sở hữu của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có thể là cá nhân hoặc tổ chức, và chỉ phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ mình đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thành phần hồ sơ thành lập công ty TNHH một thành viên được hướng dẫn tại Điều 21 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Bản sao: Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
2.4. Hồ sơ thành lập công ty cổ phần
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài;
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;
– Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.