Không đăng ký địa điểm kinh doanh mới có bị phạt không?
Mục lục
Quá trình đăng ký kinh doanh cần hoàn thiện rất nhiều thủ tục, công việc. Do đó, một số doanh nghiệp khi thay đổi địa điểm không đăng ký kinh doanh với cơ quan đăng ký. Vậy việc không đăng ký địa điểm kinh doanh mới có bị xử phạt không?
1. Quy định về địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
Theo khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Căn cứ Phụ lục II-8 Quyết định 1523/QĐ-BKHĐT, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính.
Doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi lập địa điểm kinh doanh.
Như vậy, doanh nghiệp không được phép thành lập địa điểm kinh doanh ngoài tỉnh/ thành phố nơi đã đặt trụ sở hoặc chi nhánh.
Xem thêm: Đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định gồm những ai?
2. Không đăng ký địa điểm kinh doanh mới có bị phạt không?
Theo quy định điều 25 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thi hành vi không đăng ký địa điểm kinh doanh sẽ bị phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký thay đổi các nội dung Giấy chứng nhận doanh nghiệp theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này
Như vậy, căn cứ vào thời gian không đăng ký địa điểm kinh doanh mới mà Pháp luật sẽ có mức xử phạt hành chính khác nhau. Mức phạt cao nhất là 15.000.000 đồng cho phạm vi không đăng ký địa điểm kinh doanh mới. Biện pháp khắc phục hậu quả được đưa ra là buộc phải đăng ký lại theo các nội dung thay đổi của doanh nghiệp.
3. Lưu ý khi đăng ký địa điểm kinh doanh
Khi đăng ký địa điểm kinh doanh, Quý khách cần lưu ý một số điều sau:
- Mặc dù mỗi địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không bắt buộc phải kê khai thuế, mở sổ kế toán riêng nhưng phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế môn bài là 1.000.000 đồng/năm;
- Đối với địa điểm kinh doanh có cùng địa chỉ với tỉnh/ thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chỉ phải kê khai, nộp thuế môn bài theo địa chỉ của doanh nghiệp.
- Đối với địa điểm kinh doanh có địa chỉ khác tỉnh/ thành phố của doanh nghiệp, cần thực hiện thủ tục về thuế theo Công văn số 13133/CTHN-TTHT ngày 26/4/2021 về hướng dẫn chính sách thuế cho địa phương.
- Thực hiện đăng ký thuế và cấp mã số thuế 13 số cho địa điểm kinh doanh;
- Đối với địa điểm kinh doanh không phát sinh hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp cần đăng ký cam kết không phát sinh hoạt động kinh doanh;
- Đối với địa điểm kinh doanh có hoạt động kinh doanh thì địa điểm kinh doanh sử dụng chung mẫu hóa đơn của đơn vị quản lý cho từng địa điểm kinh doanh, gửi thông báo phát hành hóa đơn đến từng địa điểm kinh doanh; Kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế nơi đóng trụ sở chính.
Việc không đăng ký địa điểm kinh doanh mới là vi phạm pháp luật. Vì vậy, nếu doanh nghiệp có thay đổi địa điểm kinh doanh thì cần kê khai, thực hiện thủ tục theo đúng quy định Pháp luật.