Hướng dẫn cách tính thuế hộ kinh doanh cá thể
Mục lục
Cách tính thuế hộ kinh doanh cá thể như thế nào là nội dung bài viết mà Phan Law Vietnam gửi đến bạn ngay sau đây. Đây là mô hình kinh doanh đơn giản, ít nhân sự, do đó nhiều hộ kinh doanh chưa chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến thuế. Điều này có thể khiến hộ kinh doanh chậm nộp thuế hoặc nộp không đủ, dễ dẫn đến các rắc rối pháp lý.
Hộ kinh doanh cá thể là gì?
Hộ kinh doanh cá thể không phải là một loại hình doanh nghiệp. Hộ kinh doanh được quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Theo Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”
Hộ kinh doanh cá thể phải nộp các loại thuế nào?
Theo quy định về quản lý thuế, hộ kinh doanh cá thể phải nộp 03 loại thuế sau:
- Thuế môn bài;
- Thuế giá trị gia tăng (GTGT);
- Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Ngoài các loại thuế trên, hộ kinh doanh cá thể còn có thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên,… nếu kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế của các luật này.
Cách tính thuế hộ kinh doanh cá thể
Với từng loại thuế, cách tính thuế hộ kinh doanh cá thể sẽ khác nhau:
► Cách tính thuế môn bài
✔ Đối với hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/ năm phải nộp thuế môn bài như sau:
✔ Hộ kinh doanh có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm lệ phí môn bài là 1.000.000 đồng/năm;
✔ Hộ kinh doanh có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm lệ phí môn bài là 500.000 đồng/năm;
✔ Hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm lệ phí môn bài là 300.000 đồng/năm.
✔ Miễn lệ phí môn bài trong các trường hợp:
- Doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống;
- Hộ kinh doanh sản xuất muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá Miễn lệ phí môn bài;
- Cá nhân, hộ gia đình kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm cố định Miễn lệ phí môn bài;
- Hộ kinh doanh thành lập sau ngày 25/02/2020 Miễn lệ phí môn bài năm đầu tiên.
► Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân mà hộ kinh doanh phải nộp được tính như sau:
✔ Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
✔ Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó:
Doanh thu tính thuế được xác định như sau:
+ Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
+ Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.
+ Trường hợp cá nhân kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì cá nhân thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề…
+ Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Tỷ lệ thuế được xác định như sau:
+ Đối với lĩnh vực phân phối, cung ứng hàng hóa: tỷ lệ thuế GTGT là 1%; tỷ lệ thuế TNCN là 0,5%;
+ Đối với lĩnh vực dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế GTGT là 5%; tỷ lệ thuế TNCN là 2%;
+ Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế GTGT là 3%; tỷ lệ thuế TNCN là 1,5%;
+ Đối với Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ thuế GTGT là 2%; tỷ lệ thuế TNCN là 1%.