Hướng dẫn cách thành lập công ty TNHH 1 thành viên
Mục lục
Để thành lập công ty TNHH 1 thành viên bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, để đưa công ty TNHH 1 thành viên đi vào hoạt động, bạn phải lưu ý thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý bổ sung khác. Chi tiết nhất về hoạt động này, hãy tham khảo ngay các nội dung trong bài viết dưới đây của Phan Law Vietnam.
Công ty TNHH 1 thành viên có đặc điểm nổi bật nào?
Để chuẩn bị thực hiện thủ tục thành lập công ty TNHH 1 thành viên, bạn phải nắm được các đặc điểm chính của loại hình doanh nghiệp này. Công ty TNHH 1 thành viên là loại hình doanh nghiệp với chủ sở hữu có thể là một cá nhân hoặc một tổ chức. Doanh nghiệp này mang những đặc điểm chính như:
- Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
- Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
- Có thể phát hành trái phiếu theo quy định
Công ty TNHH 1 thành viên là loại hình doanh nghiệp khá linh hoạt và hạn chế rủi ro đối với chủ sở hữu. Thủ tục thành lập cũng đơn giản hơn so với công ty TNHH hai thành viên trở lên hay công ty cổ phần. Ngoài ra, công ty TNHH 1 thành viên có quy định về chuyển nhượng vốn chặt chẽ, dễ kiểm soát.
Chuẩn bị thủ tục thành lập công ty TNHH 1 thành viên
Thành lập công ty TNHH 1 thành viên cần nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ đến phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thành phần hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH 1 thành viên
Theo quy định tại Điều 21 Luật Doanh nghiệp 2020, hồ sơ đăng ký công ty TNHH 1 thành viên yêu cầu các tài liệu sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ công ty.
- Giấy tờ pháp lý chứng thực cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân;
- Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Sau khi nộp hồ sơ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền, trong thời hạn 03 ngày làm việc bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo cho người thành lập doanh nghiệp biết bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc.
Những điều cần lưu ý sau khi thành lập công ty TNHH 1 thành viên
Khi đã hoàn tất thủ tục thành lập công ty TNHH 1 thành viên, bạn cần lưu ý thực hiện các thủ tục chuyển đổi tài sản thành vốn góp theo đúng quy định pháp luật. Khoản 2 Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020: “Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.”