Hướng dẫn cách đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Mục lục
Hộ cá thể là một loại hình kinh doanh phổ biến được khá nhiều người áp dụng. Ưu điểm chủ yếu của hộ kinh doanh là không cần phải đầu tư vốn với số lượng lớn như doanh nghiệp, quy mô ở mức vừa phải, lượng nhân công dưới 10 người sẽ dễ dàng quản lý,… Tuy nhiên, cũng như doanh nghiệp, để thành lập hộ kinh doanh, các cá nhân vẫn phải tiến hành thủ tục đăng ký. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cho bạn cách đăng ký hộ kinh doanh cá thể.
1. Hộ kinh doanh cá thể là gì? Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ – CP, hộ kinh doanh hay còn được gọi là hộ kinh doanh cá thể được định nghĩa như sau:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 82 của Nghị định này cũng đưa ra các điều kiện để hộ kinh doanh cá thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Cụ thể như sau:
“1. Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp cho hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định này. Hộ kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
b) Tên của hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 88 Nghị định này;
c) Có hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hợp lệ;
d) Nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.”
2. Giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Giá trị pháp lý của Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hay hộ kinh doanh cá thể đã được quy định tại khoản 3 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ – CP như sau:
“Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh có giá trị pháp lý kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và hộ kinh doanh có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trường hợp hộ kinh doanh đăng ký ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh sau ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì hộ kinh doanh được quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.”
Từ quy định trên, việc đăng ký và xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể là điều rất cần thiết. Đây chính là thủ tục nhằm hợp pháp hóa hoạt động của hộ gia đình khi muốn đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, đối với trường hợp kinh doanh ngành, nghề có điều kiện, hộ cá thể cần phải tiến hành thêm thủ tục cấp giấy phép cho từng lĩnh vực cụ thể.
3. Hướng dẫn cách đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Cách đăng ký kinh hộ kinh doanh cá thể theo quy trình pháp luật quy định sẽ thực hiện theo các bước như sau:
3.1. Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh về cơ bản cũng không có quá nhiều tài liệu phức tạp, thường sẽ chỉ bao gồm những giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể nếu trong trường hợp các thành viên hộ cá thể đăng ký hộ kinh doanh.
- Bản sao văn bản uỷ quyền trong trường hợp thành viên của hộ kinh doanh cho một cá nhân làm chủ hộ đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
3.2. Bước 2: Nộp hồ sơ và chờ xử lý hồ sơ
Sau khi chuẩn bị hồ sơ, chủ hộ hoặc người đại diện theo uỷ quyền sẽ nộp hồ sơ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. Khi tiếp nhận hồ sơ, cá nhân có yêu cầu sẽ chờ Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và xử lý.
Nếu hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh. Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cũng theo khoảng thời gian đó, 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký phải thông báo đến người nộp nội dung cần sửa đổi, bổ sung (Nếu có). Việc thông báo phải được thực hiện bằng văn bản.
Tuy nhiên, nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký thì người nộp đơn có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật.
3.3. Bước 3: Gửi danh sách cho Cơ quan thuế cùng cấp
Đây là thủ tục của Cơ quan đăng ký kinh doanh, cũng nhằm hoàn tất việc thành lập cũng như duy trì hoạt động của hộ kinh doanh cá thể. Theo đó, định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký hàng tháng trước cho Cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.