Hồ sơ, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân
Mục lục
Khái niệm về doanh nghiệp tư nhân
Căn cứ vào Điều 188 thuộc Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân có nghĩa là chỉ một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm về tất cả hoạt động doanh nghiệp bằng mọi tài sản của mình.
Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân gồm có:
- Chỉ có một cá nhân làm chủ sở hữu: Vì là loại hình doanh nghiệp chỉ do một cá nhân làm chủ nên toàn bộ vốn của doanh nghiệp đều do cá nhân đó đầu tư, không góp vốn như một số loại hình doanh nghiệp khác như công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Do đó, số tài sản được sử dụng trong hoạt động kinh doanh không cần phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp như một số loại hình doanh nghiệp khác.
- Không có tư cách pháp nhân: Vì chỉ có một cá nhân làm chủ và tự góp vốn nên doanh nghiệp tư nhân không có sự độc lập về tài sản. Do vậy, loại hình doanh nghiệp này không có tư cách pháp nhân.
- Chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh: Có nghĩa là, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm sử dụng toàn bộ tài sản của mình để thanh toán khoản nợ của doanh nghiệp, bao gồm tài sản chủ doanh nghiệp tư nhân không đầu tư vào doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp tư nhân có đầu tư vào doanh nghiệp.
- Không được phát hành các loại chứng khoán: Vì là do một cá nhân làm chủ, có quy mô nhỏ, không có sự phân định rõ ràng giữa tài sản của doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp tư nhân. Do đó, nếu phát hành chứng khoán sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp tư nhân.
Đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân cần chuẩn bị những hồ sơ gì?
Theo quy định tại Điều 21 thuộc Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, trong bộ hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân cần phải có các loại giấy tờ sau:
- Một tờ giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân.
- Bản sao các giấy tờ pháp lý của chủ doanh nghiệp tư nhân.
- Một văn bản ủy quyền của người đại diện đi nhận hồ sơ và nhận kết quả (nếu ủy quyền cho cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp).
- Giấy giới thiệu và hợp đồng cung cấp dịch vụ của tổ chức cho cá nhân đi nộp hồ sơ và nhận kết quả (nếu ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tư nhân).
Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân
Trình tự thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân gồm những bước sau:
- Bước 1: Tiến hành nộp hồ sơ
Theo đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị những giấy tờ đã nêu ở mục 2 và có thể lựa chọn một trong các phương thức sau để nộp: Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký Kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư; nộp qua dịch vụ bưu chính; nộp online trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Sau khi đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân, phòng đăng ký kinh doanh tiến hành trao giấy biên nhận về việc nộp hồ sơ cho người đi nộp hồ sơ,
Sau khi đã trao giấy biên nhận, phòng đăng ký kinh doanh cần nhập đầy đủ các thông tin trong hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ để xem hồ sơ có gì sai sót không. Đồng thời, tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Nếu đáp ứng các điều kiện: Tên doanh nghiệp đã được điền vào giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp; nộp đủ lệ phí; có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ thì hồ sơ đó hợp lệ và được nhập vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trong trường hợp hồ sơ bị sai sót, phòng đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành thông báo bằng văn bản những nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 3 ngày làm việc.
- Bước 3: Nhận kết quả
Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp năm 2020, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây, doanh nghiệp tư nhân sẽ được cấp giấy chứng nhận:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh.
- Hồ sơ đăng ký kinh doanh hợp lệ.
- Nộp đúng và đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Xem thêm: Tư vấn thành lập doanh nghiệp
Bài viết trên của Phan Law Vietnam đã cập nhật đầy đủ thông tin về hồ sơ và thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân để bạn hiểu rõ. Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích đối với bạn trong quá trình thành lập doanh nghiệp.