Tư vấn thành lập công ty
Mục lục
Để doanh nghiệp hoạt động hợp pháp và được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam, các nhà đầu tư phải thực hiện đăng ký thành lập công ty. Nhưng không phải ai cũng nắm rõ các thủ tục đăng ký thành lập, Văn phòng đăng ký kinh doanh có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực tư vấn thành lập công ty sẽ hỗ trợ Quý khách.
1. Thành lập công ty là gì?
Thành lập công ty là thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh. Khi hoàn thành thủ tục, công ty mà bạn thành lập sẽ có tên riêng, có mã số thuế riêng, có tài sản riêng, có trụ sở giao dịch để triển khai kinh doanh.
2. Những lưu ý khi lựa chọn loại hình công ty
Dựa vào quy mô và chiến lược kinh doanh mà các nhà đầu tư lựa chọn loại hình công ty phù hợp như sau:
2.1. Công ty TNHH 1 thành viên
Công ty TNHH 1 thành viên có 1 người làm chủ sở hữu công ty và toàn quyền quyết định các vấn đề trong công ty. Nếu bạn muốn tự mình làm chủ hoặc chưa có ý định huy động vốn thì bạn nên lựa chọn loại hình này.
Loại hình công ty TNHH 1 thành viên không được phát hành cổ phiếu, không được giao dịch chứng khoán,… Tuy nhiên, chủ công ty TNHH 1 thành viên chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ, đây được xem là ưu điểm của loại hình này.
2.2. Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Với tối thiểu 2 thành viên và tối đa 50 thành viên, đây là ưu điểm giúp doanh nghiệp có thể huy động vốn dễ dàng. Ngoài ra, loại hình này còn có ưu điểm tương tự là chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp, giúp các thành viên tách biệt được tài sản cá nhân và tài sản góp vốn.
2.3. Công ty cổ phần
Công ty cổ phần có khả năng huy động vốn rất cao bởi không giới hạn số lượng thành viên phù hợp với doanh nghiệp có quy mô lớn. Đồng thời, loại hình doanh nghiệp này được quyền niêm yết và giao dịch cổ phần trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, về cơ cấu tổ chức nhân sự cũng như các thủ tục pháp lý liên quan tới công ty cổ phần lại khá phức tạp vì không giới hạn số lượng thành viên góp vốn.
2.4. Công ty hợp danh
Công ty hợp danh phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.
Công ty hợp danh là kết hợp uy tín cá nhân của nhiều người vì thế dễ dàng tạo được sự tin cậy của khách hàng, đối tác kinh doanh. Việc điều hành quản lý công ty không quá phức tạp.
3. Tư vấn thành lập công ty
Bước 1: Chọn loại hình công ty
Khi có nhu cầu thành lập công ty, bạn cần chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp, có thể dựa vào số lượng thành viên tham gia thành lập công ty. Trường hợp chỉ có một người thì có thể chọn công ty TNHH một thành viên.
Bước 2: Xác định tên công ty, nơi đặt trụ sở, vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh
- Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự: loại hình doanh nghiệp; tên riêng (Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020).
- Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
- Trong trường hợp khi thành lập công ty cổ phần, công ty hợp danh hoặc công ty TNHH, tổ chức, cá nhân phải xác định số vốn điều lệ.
- Doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh
Tùy thuộc vào tổ chức, cá nhân muốn thành lập theo loại hình công ty nào mà hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ khác nhau (Có thể tham khảo chi tiết tại đây).
Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh
Tổ chức, cá nhân cần nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của công ty.
Bước 5: Nộp lệ phí đăng ký kinh doanh
Phí, lệ phí đăng ký kinh doanh có thể được nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử.
Bước 6: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Bước 7: Khắc con dấu của công ty
Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Bước 8: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật.