Hồ sơ thành lập công ty TNHH bao gồm những gì?
Mục lục
Hồ sơ thành lập công ty TNHH bao gồm những gì là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Nguyên nhân là vì số lượng công ty TNHH được thành lập ngày càng nhiều vì nhiều lợi ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, để hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp nói chung, việc đầu tiên cần làm của các nhà đầu tư là chuẩn bị hồ sơ và các tài liệu liên quan.
Công ty TNHH là gì?
Để giải thích khái niệm của công ty TNHH cần nắm bắt được các loại hình cụ thể của nó. Theo đó, công ty TNHH bao gồm hai phân loại là công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên. Thông tin khái quát được trình bày dưới đây:
Công ty TNHH một thành viên
Theo khoản 1 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty TNHH một thành viên được định nghĩa là “doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty”.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên
So với công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên sẽ có một số điểm khác biệt. Theo đó, tại khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020, khái niệm công ty TNHH hai thành viên trở lên được quy định như sau:
“Điều 46. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này”.
Hồ sơ thành lập công ty TNHH bao gồm những gì?
Về cơ bản, hồ sơ thành lập công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH hai thành viên trở lên tương đối giống nhau. Tuy nhiên, phục vụ mục đích thành lập công ty đạt hiệu quả tối ưu, đối với mỗi loại hình khác nhau, việc chuẩn bị các loại giấy tờ có trong hồ sơ được cụ thể như sau:
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên
Thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên do Cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền quy định.
- Dự thảo điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên trong công ty.
- Bản sao các giấy tờ chứng thực cá nhân như thẻ CCCD, giấy CMND của thành viên.
- Bản sao quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, văn bản uỷ quyền và những giấy tờ cá nhân hợp pháp của người đại diện uỷ quyền của thành viên là tổ chức.
- Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì yêu cầu bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương được hợp pháp hóa lãnh sự.
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
- Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với các ngành, nghề kinh doanh yêu cầu phải có vốn pháp định theo quy định của pháp luật.
- Chứng chỉ hành nghề của các cá nhân đối với công ty kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên
Thủ tục thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên theo mẫu do Cơ quan đăng ký kinh doanh quy định.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách các thành viên.
- Bản sao giấy chứng thực đối với thành viên là cá nhân như CMND, CCCD, Hộ chiếu,…
- Đối với thành viên là tổ chức cần có bản sao quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, văn bản uỷ quyền, CCCD, CMND, Hộ chiếu của người đại diện theo uỷ quyền.
- Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì cần có bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải có chứng thực của cơ quan nơi tổ chức đó đã đăng ký.
- Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trong trường hợp công ty kinh doanh ngành, nghề yêu cầu vốn pháp định.
- Chứng chỉ hành nghề của Giám đốc, Tổng giám đốc hoặc các thành viên khác trong công ty đối với trường hợp kinh doanh ngành, nghề yêu cầu chứng chỉ.