Thủ tục thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Mục lục
Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó thành viên có thể là tổ chức, cá nhân và phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trong phạm vi vốn góp. Số lượng thành viên của công ty không vượt quá 50 người. Hiện nay, loại hình doanh nghiệp này được khá nhiều người ưu tiên sử dụng bởi những ưu điểm mà nó đem lại, đặc biệt giảm khả năng rủi ro về vốn. Vậy thủ tục thành lập sẽ diễn ra như thế nào?
Điều kiện để thành lập Công ty TNHH hai thành viên
Giống như các loại hình doanh nghiệp khác, việc thành lập Công ty TNHH hai thành viên cũng phải căn cứ theo những điều kiện nhất định. Trong đó bao gồm:
- Số lượng thành viên trong Công ty tối thiểu là 02, tối đa là 50 người. Thành viên có thể là tổ chức hoặc cá nhân được quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Vốn điều lệ không quy định tối thiểu bao nhiêu nhưng các thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Cơ cấu tổ chức quản lý công ty sẽ bao gồm Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
- Tên công ty phải bao gồm 2 thành tố là loại hình doanh nghiệp và tên riêng, đồng thời không vi phạm điều cấm tại Điều 38. Ngoài ra, người thành lập cần lưu ý cách đặt tên doanh nghiệp mình theo Điều 39, 40, 41 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Địa điểm công ty phải nằm trên lãnh thổ Việt Nam, có thông tin cụ thể và được xác định theo địa giới hành chính.
- Ngành, nghề kinh doanh không thuộc trường hợp bị cấm theo khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020.
Thủ tục thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Thủ tục thành lập Công ty TNHH hai thành viên phải trải qua 6 bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Để thành lập Công ty TNHH hai thành viên, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ. Tài liệu gồm có:
- Giấy đề nghị đăng ký công ty TNHH hai thành viên trở lên.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên trong công ty (Phụ lục I-6 Thông tư 01/2021).
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của thành viên công ty và người đại diện theo pháp luật của công ty như CMND/ CCCD/ Hộ chiếu.
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
- Văn bản ủy quyền cho tổ chức/cá nhân thực hiện thủ tục.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi hoàn tất việc chuẩn bị hồ sơ, doanh nghiệp sẽ tiến hành nộp hồ sơ để được xét duyệt. Hiện nay có 02 hình thức nộp hồ sơ, bao gồm:
- Nộp trực tiếp tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đăng ký.
- Nộp trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Thẩm định hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký sẽ kiểm tra tính hợp lệ và giải quyết hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ, công ty sẽ được cấp giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp. Nếu hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan đăng ký sẽ thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Đối với hình thức nộp trực tuyến, chuyên viên sẽ kiểm tra hồ sơ. Nếu đã đầy đủ các tài liệu cần thiết và đảm bảo tính hợp lệ, người nộp hồ sơ sẽ mang bản cứng đến phòng 1 cửa đối chiếu và nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Khắc dấu cho công ty TNHH 2 thành viên
Khắc dấu cho công ty TNHH 2 thành viên trở lên chỉ được thực hiện sau khi việc đăng ký thành công và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, công ty sẽ liên hệ đến cơ sở khắc dấu và công bố mẫu dấu trên cổng thông tin quốc gia để hoàn tất thủ tục.
Bước 5: Mua chữ ký số sau khi thành lập công ty
Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử có ưu điểm nâng cao tính bảo mật, thuận lợi hơn trong giao dịch, đặc biệt là qua mạng Internet. Đồng thời, sử dụng chữ ký số để kê khai thuế là điều kiện bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp khi đi vào hoạt động. Do đó, doanh nghiệp phải liên hệ với bên công ty cung cấp chữ ký số để đáp ứng yêu cầu này.
Bước 6: Nộp tờ khai thuế môn bài và đăng ký hóa đơn điện tử
Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đơn vị sẽ tiến hành kê khai và nộp thuế môn bài cho Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký và phát hành hóa đơn điện tử.
Sử dụng dịch vụ thành lập Công ty của đơn vị nào để đảm bảo quyền lợi?
Thành lập Công ty là một trong những thủ tục tương đối phức tạp bởi phát sinh nhiều vấn đề pháp lý. Nhiều trường hợp do không nắm vững quy trình, thủ tục dẫn đến sai sót, ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của doanh nghiệp mình. Do đó, để đạt hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, công sức, quý khách có thể tham khảo dịch vụ thành lập công ty của Đăng ký kinh doanh nhanh. Chúng tôi sẽ hỗ trợ và đem lại dịch vụ pháp lý tốt nhất cho quý khách.