Hiệu đính đăng ký kinh doanh là gì?
Mục lục
Việc sai sót thông tin khi đăng ký doanh nghiệp là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, không phải cứ sai sót là thực hiện thủ tục chỉnh sửa, bổ sung thông tin. Doanh nghiệp nên hiểu rõ về thủ tục hiệu đính đăng ký kinh doanh để biết nên áp dụng trong trường hợp nào.
Khi nào phải hiệu đính đăng ký kinh doanh?
Pháp luật doanh nghiệp không có định nghĩa cụ thể về hiệu đính đăng ký kinh doanh. Hiểu đơn giản, hiệu đính tài liệu có nghĩa là chỉnh sửa, nhưng không chỉ là việc kiểm tra những lỗi chính tả, ngữ pháp, bố cục của tài liệu, mà còn là công đoạn chỉnh sửa về mặt nội dung của tài liệu.
Như vậy, hiệu đính thông tin đăng ký doanh nghiệp là chỉnh sửa những thông tin sai sót trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tức là sau khi đã hoàn thành xong thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Căn cứ Điều 39, 40 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, các trường hợp phải hiệu đính đăng ký kinh doanh, bao gồm:
- Doanh nghiệp phát hiện nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chưa chính xác so với nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;
- Phòng Đăng ký kinh doanh phát hiện nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chưa chính xác so với nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp phát hiện nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bị thiếu hoặc chưa chính xác so với bản giấy của Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Phòng Đăng ký kinh doanh phát hiện nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp không có hoặc không chính xác so với bản giấy của Giấy chứng nhận.
Thủ tục hiệu đính đăng ký kinh doanh
Thủ tục hiệu đính được thực hiện như sau:
Hồ sơ hiệu đính đăng ký kinh doanh
Doanh nghiệp chỉ cần gửi Giấy đề nghị hiệu đính thông tin trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy đề nghị hiệu đính đăng ký kinh doanh do chuyển đổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trình tự, thủ tục hiệu đính đăng ký kinh doanh
Bước 1: Nộp hồ sơ
Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:
Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Cách 2: Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đăng ký qua mạng).
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Bước 3: Nhận kết quả
* Thời hạn giải quyết: 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
Như vậy, thủ tục hiệu đính đăng ký kinh doanh được thực hiện sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đây là thủ tục khá đơn giản mà cá nhân, tổ chức có thể tự mình thực hiện.