[Giải đáp] Thực trạng giải thể doanh nghiệp hiện nay như thế nào?
Mục lục
Số lượng doanh nghiệp ngừng kinh doanh, giải thể ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu chững lại. Việc giải thể được xem như một hành động cuối cùng, nhằm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp như một chỉnh thể. Vậy thực trạng giải thể doanh nghiệp hiện nay như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp mọi thắc mắc cho bạn về tình trạng giải thể của các doanh nghiệp hiện nay.
1. Thực trạng giải thể doanh nghiệp hiện nay
Doanh nghiệp, giống như vòng tuần hoàn của đời người, trải qua 7 giai đoạn chính trong suốt quá trình hoạt động bao gồm: Gieo hạt, khởi động, phát triển, ổn định, mở rộng, suy thoái và cuối cùng là tan rã. Giai đoạn tan rã đánh dấu sự chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, buộc họ phải rút lui khỏi thị trường.
Theo Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp đóng cửa đang gia tăng đáng kể. Cụ thể, có đến 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể và 8.800 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng, có hơn 16.700 doanh nghiệp phải đóng cửa.
Sự gia tăng này cho thấy, vòng đời doanh nghiệp đang ngày càng ngắn lại, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đầy biến động. Số liệu thống kê trên được coi là lời cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp về những thách thức họ phải đối mặt trong quá trình vận hành và phát triển. Việc xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả, thích ứng với thị trường và nâng cao năng lực quản trị là chìa khóa giúp doanh nghiệp kéo dài vòng đời và hoàn thành sứ mệnh của mình.
2. Nguyên nhân giải thể doanh nghiệp hiện nay
Thực trạng giải thể doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam đang ở mức cảnh báo, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Nguyên nhân chính bao gồm:
- Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19: Trải qua quá trình khó khăn chiến đầu với Covid-19, chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn, giảm cầu tiêu dùng, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh dẫn đến thua lỗ và buộc phải giải thể.
- Thiếu hụt nguồn vốn: Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng và các kênh đầu tư khác, ảnh hưởng đến khả năng duy trì hoạt động.
- Chi phí hoạt động cao: Thuế, phí, giá thuê mặt bằng,… tăng cao khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút, thậm chí thua lỗ.
- Sự cạnh tranh gay gắt: Thị trường ngày càng cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp không thể thích ứng và phải đưa ra quyết định giải thể.
- Lạm phát: Nguyên nhân tiếp theo dẫn đến giải thể doanh nghiệp là tình trạng lạm phát ngày càng tăng cao. Nguyên nhân của tình trạng này là do giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, trong đó sức mua của nền kinh tế suy giảm.
Xem thêm: Quy trình, thủ tục giải thể doanh nghiệp/ công ty TNHH 1 thành viên
3. Hoạt động bị cấm khi doanh nghiệp giải thể
Các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể được quy định tại Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
1. Kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp bị nghiêm cấm thực hiện các hoạt động sau đây:
a) Cất giấu, tẩu tán tài sản;
b) Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
c) Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;
d) Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;
đ) Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;
e) Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;
g) Huy động vốn dưới mọi hình thức.
2. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Như vậy, khi doanh nghiệp quyết định giải thể thì người quản lý doanh nghiệp sẽ không được thực hiện những hành vi trốn tránh, tẩu tán tài sản mang về quyền lợi cho riêng mình. Đồng thời, trong quá trình giải thể thì doanh nghiệp cũng không được cố ý ký kết hợp đồng mới, huy động nguồn vốn dưới mọi hình thức.