Điều lệ công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2020
Mục lục
Điều lệ công ty cổ phần là một trong số những văn bản quan trọng và cần thiết trong quá trình đăng ký thành lập công ty cổ phần. Điều lệ công ty cổ phần được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với những quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Để hiểu rõ hơn về điều lệ công ty cồ phần, xin mời các bạn xem bài viết dưới đây.
Điều lệ công ty là gì?
Điều lệ công ty là bản thỏa thuận giữa những người chủ sở hữu công ty với nhau. Điều lệ công ty là sự cam kết, ràng buộc các thành viên trong một luật lệ chung, được soạn thảo dựa trên những khuôn mẫu chung của pháp luật, để ấn định các nguyên tắc về cách thức thành lập, quản lý, hoạt động và giải thể doanh nghiệp.
Quy định của pháp luật về điều lệ công ty cổ phần
Giống như các loại hình doanh nghiệp khác, điều lệ của công ty cổ phần cũng phải bắt buộc tuân theo quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);
- Ngành nghề kinh doanh;
- Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần;
- Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các cổ đông sáng lập; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập;
- Quyền và nghĩa vụ của cổ đông công ty;
- Cơ cấu tổ chức quản lý;
- Người đại diện theo pháp luật;
- Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
- Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và kiểm soát viên;
- Các trường hợp cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần;
- Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
- Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;
- Thể thức sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ.
Các nội dung cơ bản được thể hiện trong điều lệ công ty cổ phần
Căn cứ theo Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2020, Điều lệ cơ bản của công ty cổ phần phải có những thông tin cơ bản sau:
Tên và địa chỉ trụ sở chính
Đây là một nội dung bắt buộc phải có trong điều lệ, tên của công ty cổ phần cần có tiền tố “công ty cổ phần” sau đó hậu tố là tên riêng của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải không được trùng lặp, gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp khác.
Trụ sở chính
Trụ sở chính phải là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Địa chỉ của công ty đã đăng ký và ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ là địa chỉ để tống đạt các tài liệu tố tụng hoặc tài liệu từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Chi nhánh và văn phòng đại diện
Khi công ty có dự định thành lập chi nhánh hay văn phòng đại diện thì điều lệ có thể quy định về vấn đề này, mặc dù vậy, điều lệ không bắt buộc phải liệt kê các địa điểm dự kiến cụ thể để dự kiến thành lập chi nhánh và văn phòng đại diện.
Ngành nghề kinh doanh
Điều lệ công ty cổ phần cần định ngành nghề kinh doanh phù hợp với ngành nghề kinh doanh được ghi nhận trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Bên cạnh đó điều lệ cũng có thể quy định thêm cho phép doanh nghiệp có thể thực hiện một số hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm.
Vốn điều lệ
Theo khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.
Cổ đông sẽ có trách nhiệm thanh toán tiền mua cổ phần trong khoảng thời gian là 90 ngày (hoặc một giai đoạn ngắn hơn theo thỏa thuận của các cổ đông) sau ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau khoản thời gian này thì vốn điều lệ chỉ còn thể hiện mức vốn thực góp của các cổ đông.
Tổng số cổ phần
Tổng số cổ phần vốn điều lệ của công ty cổ phần, bởi lẽ vốn điều lệ là tổng mệnh giá các cổ phần. Loại cổ phần là một quy định quan trọng trong điều lệ.
Loại cổ phần
Cổ phần của công ty cổ phần có thể tồn tại dưới hai loại là: Cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi
Cổ phần phổ thông
- Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông.
- Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.
Cổ phần ưu đãi
Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:
- Cổ phần ưu đãi biểu quyết
Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có số biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty cổ phần quy định.
Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
- Cổ phần ưu đãi cổ tức
Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.
- Cổ phần ưu đãi hoàn lại
Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.
Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có các quyền khác như cổ đông phổ thông. Trừ trường hợp: Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Mệnh giá từng loại cổ phần
Mệnh giá của cổ phiếu là mệnh giá hay còn gọi là giá trị danh nghĩa mà công ty cổ phần ấn định cho một cổ phiếu, được ghi trên cổ phiếu. Mệnh giá cổ phiếu thường được sử dụng để ghi trong sổ sách kế toán của công ty. Mệnh giá cổ phiếu không có giá trị thực tế với nhà đầu tư khi đã đầu tư. Nên nó không liên quan đến giá thị trường của cổ phiếu đó. Mệnh giá cổ phiếu chỉ có ý nghĩa quan trọng vào thời điểm công ty phát hành cổ phiếu thường lần đầu nhằm huy động vốn thành lập công ty. Mệnh giá thể hiện số tiền tối thiểu mà công ty phải nhận được trên mỗi cổ phiếu mà Công ty phát hành ra. Một số nước thì pháp luật cho phép Công ty cổ phần có thể phát hành cổ phiếu thường không có mệnh giá.
Tại thời điểm được đăng ký thành lập doanh nghiệp. Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty cổ phần. Đối chiếu tại khoản 2 Điều 10 Luật chứng khoán 2006. Mệnh giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng là mười nghìn đồng Việt Nam. Mệnh giá trái phiếu chào bán ra công chúng là một trăm nghìn đồng Việt Nam và bội số của một trăm nghìn đồng Việt Nam.
Do đó, thông thường các công ty cổ phần thường để mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phần. Vì đây cũng là mệnh giá tối thiểu để chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng.