Điều kiện, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần
Mục lục
Công ty cổ phần hiện đang là hình thức doanh nghiệp được ưa chuộng nhất nhờ vào tính linh hoạt và tiềm năng phát triển vượt trội. Loại hình công ty này không giới hạn số lượng cổ đông, dễ dàng huy động vốn lớn từ nhiều nguồn khác nhau, tạo điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh. Tuy nhiên, điều kiện, thủ tục và hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần như thế nào? Hãy cùng Đăng ký Kinh doanh nhanh tìm hiểu qua bài viết sau!
1. Điều kiện thành lập công ty cổ phần
Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp trong đó vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Mỗi phần cổ phần đại diện cho một phần sở hữu trong công ty. Các cá nhân hoặc tổ chức sở hữu cổ phần được gọi là cổ đông.
Điều kiện thành lập công ty cổ phần được quy định:
1.1. Chủ thể thành lập
Số lượng cổ đông: Tối thiểu 03 cổ đông sáng lập và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
Tính chất cổ đông: Có thể là cá nhân hoặc tổ chức, trong nước hoặc nước ngoài.
1.2. Tên công ty
Cấu trúc: Bao gồm loại hình doanh nghiệp (công ty cổ phần hoặc công ty CP) và tên riêng.
Tên riêng: Sử dụng chữ cái tiếng Việt, F, J, Z, W, số và ký hiệu.
Kiểm tra trùng lặp: Trước khi đăng ký, cần kiểm tra tên công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Ví dụ: Công ty Cổ phần Công nghệ ABC, Công ty CP Dịch vụ XYZ.
1.3. Vốn điều lệ
Không có mức tối thiểu bắt buộc: Tuy nhiên, có thể có quy định riêng đối với một số ngành, nghề kinh doanh đặc biệt.
Vốn điều lệ: Là tổng giá trị tài sản mà các cổ đông góp hoặc cam kết góp.
1.4. Ngành, nghề kinh doanh
Lựa chọn ngành: Dựa trên Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (Quyết định 27/2018/QĐ-TTg).
Cấp độ: Chọn ít nhất ngành cấp bốn và có thể ghi chi tiết hơn nếu muốn.
Phù hợp: Ngành, nghề kinh doanh chi tiết phải thuộc ngành cấp bốn đã chọn.
Ví dụ: Ngành cấp bốn: Hoạt động kinh doanh bất động sản. Ngành, nghề kinh doanh chi tiết: Kinh doanh nhà ở, văn phòng cho thuê.
1.5. Điều kiện áp dụng với ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Theo Luật Đầu tư 2020, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là những ngành nghề mà việc đầu tư và kinh doanh đòi hỏi phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của Nhà nước. Lý do là vì các hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội, đạo đức xã hội hoặc sức khỏe cộng đồng.
Xem thêm: Tư vấn thành lập công ty cổ phần: Thủ tục, trình tự thành lập
2. Hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần được chuẩn bị đầy đủ với những giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần;
- Điều lệ công ty cổ phần;
- Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần;
- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/Hộ chiếu của cổ đông sáng lập, người đại diện theo pháp luật;
- Đối với cổ đông là tổ chức cần cung cấp thêm các giấy tờ sau:
- Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác;
- Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền của tổ chức;
- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức;
- Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu không phải là đại diện pháp luật đi nộp hồ sơ);
- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của người được ủy quyền nộp hồ sơ.
Sau khi hoàn thiện đầy đủ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai hình thức nộp hồ sơ:
- Nộp trực tiếp: Đến Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để nộp hồ sơ trực tiếp.
- Nộp online: Thực hiện việc nộp hồ sơ trực tuyến thông qua cổng thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia tại địa chỉ https://dangkykinhdoanh.gov.vn/ bằng tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc chữ ký số công cộng.
Tuy nhiên, để đảm bảo quá trình đăng ký diễn ra thuận lợi, doanh nghiệp cần lưu ý rằng tại một số địa phương lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp trực tuyến. Do đó, trước khi tiến hành nộp hồ sơ, doanh nghiệp nên liên hệ trực tiếp với Phòng Đăng ký kinh doanh tại địa phương để được hướng dẫn cụ thể.
Thông thường, sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong vòng 5 ngày làm việc. Trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc chưa chính xác, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo yêu cầu bổ sung hoặc sửa đổi. Do đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ thật kỹ càng để tiết kiệm thời gian và tránh những rắc rối không đáng có.
3. Thủ tục quan trọng cần thực hiện sau khi thành lập công ty cổ phần
Việc nắm rõ các thủ tục sau khi thành lập công ty là vô cùng quan trọng để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra suôn sẻ và hợp pháp. Dưới đây là một số việc mà công ty cổ phần PHẢI thực hiện sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
- Khắc con dấu doanh nghiệp;
- Treo biển công ty tại trụ sở chính, văn phòng đại diện, chi nhánh, địa điểm kinh doanh;
- Mua chữ ký số (USB token);
- Mua hóa đơn điện tử và thực hiện thông báo phát hành hóa đơn;
- Nộp hồ sơ khai thuế ban đầu;
- Mở tài khoản và thông báo số tài khoản ngân hàng với Sở Kế hoạch và Đầu tư;
- Đăng ký bảo hiểm xã hội cho nhân viên công ty đã ký hợp đồng lao động.