Hướng dẫn thủ tục đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh
Mục lục
Thủ tục đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh được thực hiện khi doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung, mở rộng ngành, nghề kinh doanh của mình. Đây là thủ tục pháp lý bắt buộc theo quy định của Luật doanh nghiệp hiện hành. Việc thông báo thay đổi ngành, nghề này phải được tiến hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
Quyền đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp
Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp có quyền chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh của mình. Bao gồm việc giảm bớt, thay đổi, đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh. Khi có sự thay đổi về ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp phải làm thủ tục thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh (điểm a khoản 1 Điều 31 Luật doanh nghiệp 2020).
Danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm 5 cấp:
- Ngành cấp 1 gồm 21 ngành được mã hóa theo bảng chữ cái lần lượt từ A đến U;
- Ngành cấp 2 gồm 88 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng hai số theo ngành cấp 1 tương ứng;
- Ngành cấp 3 gồm 242 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng ba số theo ngành cấp 2 tương ứng;
- Ngành cấp 4 gồm 486 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng bốn số theo ngành cấp 3 tương ứng;
- Ngành cấp 5 gồm 734 ngành; mỗi ngành được mã hóa bằng năm số theo ngành cấp 4 tương ứng.
Nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam giải thích rõ những hoạt động kinh tế gồm các yếu tố được xếp vào từng bộ phận, trong đó:
Bao gồm: Những hoạt động kinh tế được xác định trong ngành kinh tế;
Loại trừ: Những hoạt động kinh tế không được xác định trong ngành kinh tế nhưng thuộc các ngành kinh tế khác.
Hướng dẫn thủ tục đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh
Thủ tục đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh được thực hiện tại Sở kế hoạch đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Trước tiên, doanh nghiệp cần tra cứu mã ngành nghề kinh doanh tương ứng để tìm ra mã ngành nghề kinh doanh cấp 4 để hoàn thiện hồ sơ. Các bước đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh được hướng dẫn như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký ngành nghề kinh doanh
Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh cần đăng ký mà hồ sơ sẽ được chuẩn bị khác nhau. Về cơ bản, hồ sơ bạn cần chuẩn bị khi đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh bao gồm:
- Thông báo về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh của công ty.
- Quyết định về việc bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh.
- Các chứng chỉ, giấy phép hành nghề, kinh doanh đi kèm (đối với ngành nghề có điều kiện).
- Biên bản họp về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh (Biên bản họp đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên và Công ty Cổ phần).
- Văn bản ủy quyền của người thực hiện thủ tục.
Bước 2: Nộp hồ sơ bổ sung ngành nghề kinh doanh
Bên cạnh hình thức nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp có thể chọn nộp online thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Sau khi nộp hồ sơ thành công, bạn sẽ nhận được biên nhận cũng như giấy hẹn ngày trả kết quả.
Bước 3: Nhận kết quả tại Phòng đăng ký kinh doanh
Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ.
- Nếu hồ sơ không hợp lệ: Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc.
- Nếu hồ sơ hợp lệ: Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp sau 3 ngày làm việc.
Các lưu ý quan trọng khi đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh
Thủ tục đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh không phải là thủ tục pháp lý phức tạp. Tuy nhiên để thực hiện thành công ngay lần đầu tiên, doanh nghiệp cần ghi nhớ các lưu ý sau:
- Doanh nghiệp cần kiểm tra ngành nghề định bổ sung có thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện không, nếu có thì điều kiện như thế nào;
- Doanh nghiệp phải thực hiện mã hóa ngành nghề kinh doanh cần bổ sung về ngành nghề kinh doanh cấp 4 quy định tại hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam;
- Nếu ngành nghề bổ sung yêu cầu vốn pháp định, khi thay đổi bổ sung ngành nghề doanh nghiệp cần điều chỉnh vốn của doanh nghiệp để đáp ứng điều kiện về vốn điều lệ.
- Nếu ngành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp cần phải xin giấy phép đủ điều kiện kinh doanh trước khi hoạt động kinh doanh.
- Đối với ngành nghề kinh doanh yêu cầu chứng chỉ hành nghề thì doanh nghiệp phải đảm bảo trong quá trình hoạt động có đủ chứng chỉ hành nghề (nếu không là thành viên công ty nộp kèm Hợp đồng lao động và quyết định bổ nhiệm chức danh tương ứng).