Chi tiết mẫu báo cáo tài chính công ty mới thành lập mới nhất
Mục lục
Mẫu báo cáo tài chính công ty mới thành lập được rất nhiều chủ doanh nghiệp mới quan tâm. Mẫu báo cáo này được thực hiện như thế nào? Nộp báo cáo cho cơ quan nào? Hãy cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
1. Báo cáo tài chính là gì?
Theo khoản 1 điều 3 Luật kế toán 2015 nêu khái niệm: “Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.”
Báo cáo tài chính áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Doanh nghiệp có nghĩa vụ lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.
Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về:
- Tài sản;
- Nợ phải trả;
- Vốn chủ sở hữu;
- Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác;
- Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh;
- Các luồng tiền.
2. Các mẫu báo cáo tài chính công ty mới thành lập
Mẫu báo cáo tài chính công ty mới thành lập được thực hiện tương tự như doanh nghiệp đã thành lập. Mẫu báo cáo tài chính hiện được quy định tại Quyết định 48/QĐ-BTC và Thông tư 200/2014/TT-BTC.
Mẫu báo cáo tài chính bao gồm:
- Bảng cân đối kế toán (tổng hợp tài sản mà doanh nghiệp hiện có/sở hữu. Chúng bao gồm tài sản cố định, tài sản ngắn hạn, tài sản lưu động (cổ phiếu, bán thành phẩm, vốn dự trữ…). Ngoài ra, bảng cân đối kế toán còn bao gồm các khoản nợ ngắn hạn, nợ dài hạn,…).
- Báo cáo kết quả kinh doanh (cân đối thu chi và mức thu nhập phản ánh hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp).
- Báo cáo gửi cơ quan thuế.
- Bảng cân đối tài khoản.
- Bảng thuyết minh (gồm các thông tin như đặc điểm hoạt động của công ty, chuẩn mực và chế độ kế toán, kỳ kế toán, đơn vị tiền tệ và các thông tin bổ sung khác cho các báo cáo trên).
Mẫu báo cáo tài chính công ty mới thành lập về cơ bản sẽ bao gồm các tờ khai thuế như: Quyết toán thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp; Tờ khai báo thuế GTGT, Xuất – nhập khẩu, báo cáo thuế môn bài. Các doanh nghiệp mới thành lập sẽ phải nộp tờ khai thuế môn bài trong tháng bắt đầu kinh doanh. Sau đó, doanh nghiệp vẫn tiến hành lập báo cáo tài chính và nộp khi đến hạn theo nội dung nêu trên.
Xem thêm: Tìm hiểu chi tiết về báo cáo tài chính cho doanh nghiệp mới thành lập
3. Thời hạn lập và nộp mẫu báo cáo tài chính công ty mới thành lập
Căn cứ Điều 109, Thông tư 200/2014/TT-BTC, thời hạn nộp mẫu báo cáo tài chính được quy định tương ứng cho 02 loại hình doanh nghiệp như sau:
3.1. Đối với doanh nghiệp nhà nước
Báo cáo tài chính quý:
- Đơn vị kế toán: Thời hạn nộp báo cáo tài chính quý chậm nhất là 20 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý.
- Công ty mẹ, tổng công ty nhà nước: Thời hạn nộp báo cáo tài chính chậm nhất là 45 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý.
- Đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp, Tổng công ty Nhà nước: Thời hạn nộp báo cáo tài chính do công ty mẹ và Tổng công ty quy định.
Báo cáo tài chính hàng năm:
- Đơn vị kế toán: Thời hạn nộp báo cáo tài chính quý chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
- Công ty mẹ, tổng công ty nhà nước: Nộp báo cáo tài chính chậm nhất 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
- Đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp, Tổng công ty Nhà nước: Thời hạn nộp báo cáo tài chính do công ty mẹ và Tổng công ty quy định.
3.2. Đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước
Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh: thời hạn nộp báo cáo tài chính năm là 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Thời hạn nộp báo cáo tài chính của đơn vị kế toán khác chậm nhất là 90 ngày.
Đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp hoặc Tổng công ty Nhà nước: Thời hạn nộp báo cáo tài chính do công ty mẹ và Tổng công ty quy định.