Chi phí trước thành lập doanh nghiệp được khấu trừ thuế không?
Mục lục
Chi phí trước thành lập doanh nghiệp là các khoản phát sinh phải thanh toán trước khi doanh nghiệp đi vào hoạt động chính thức. Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp thắc mắc rằng chi phí trước thành lập doanh nghiệp có được khấu trừ thuế không? Qua bài viết dưới đây, Đăng ký Kinh doanh nhanh sẽ cùng bạn làm rõ những thắc mắc xoay quanh vấn đề này nhé!
1. Chi phí trước thành lập doanh nghiệp gồm những khoản phí nào?
Chi phí trước thành lập doanh nghiệp là những khoản chi phí phát sinh trước khi doanh nghiệp được chính thức thành lập và đi vào hoạt động. Những khoản chi phí này thường được chia thành hai nhóm chính như sau:
- Chi phí bắt buộc bao gồm: Lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp; Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp; Phí khắc dấu tròn công ty; Chi phí dịch vụ tư vấn thành lập doanh nghiệp (nếu có);…
- Chi phí phát sinh khác: Chi phí thuê văn phòng (nếu có); Chi phí mua sắm trang thiết bị văn phòng; Chi phí thuê nhân viên (nếu có); Chi phí quảng cáo và tiếp thị; Chi phí mua bảo hiểm;…
Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định về những khoản chi phí trước thành lập doanh nghiệp được tính vào thuế TNDN. Tuy nhiên, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi phí không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Khoản chi phí thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp;
- Khoản chi trả có đầy đủ chứng từ, hóa đơn hợp pháp theo quy định của nhà nước;
- Khoản chi có hóa đơn mua dịch vụ, hàng hóa thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng với hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên (bao gồm thuế GTGT).
2. Chi phí trước thành lập doanh nghiệp có được khấu trừ thuế GTGT không?
Theo Khoản 12 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC, doanh nghiệp được phép khai thuế GTGT đầu vào và khấu trừ trước khi thành lập doanh nghiệp với điều kiện sau đây:
- Văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi hộ;
- Hóa đơn GTGT đúng tên của tổ chức, cá nhân được ủy quyền;
- Chứng từ xác nhận thanh toán từ doanh nghiệp đến tổ chức hoặc cá nhân được ủy quyền (thực hiện bằng hình thức chuyển khoản nếu hóa đơn trên 20.000.000 đồng).
Trước khi thành lập doanh nghiệp, cá nhân hay tổ chức đồng sáng lập công ty có thể đưa ra văn bản ủy quyền cho cá nhân/ tổ chức khác mua/ chi hộ một số chi phí liên quan đến quá trình thành lập doanh nghiệp. Trường hợp này doanh nghiệp sẽ được kê khai và khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Đồng thời, doanh nghiệp phải tiến hành thanh toán cho cá nhân/ tổ chức được ủy quyền qua tài khoản ngân hàng với những hóa đơn có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên.
Xem thêm:
===> Tư vấn thành lập công ty cổ phần: Thủ tục, trình tự thành lập
3. Hạch toán chi phí trước thành lập doanh nghiệp quy định như thế nào?
Căn cứ vào Chương II, Điều 3 Khoản 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC thì những khoản chi phí trước thành lập doanh nghiệp hạch toán trong khoảng thời gian tối đa không quá 3 năm. Một số khoản chi phí trước thành lập doanh nghiệp bao gồm:
- Chi phí trả trước về thuê cơ sở hạ tầng, thuê hoạt động TSCĐ (quyền sử dụng đất, nhà xưởng, kho bãi, văn phòng làm việc, cửa hàng và TSCĐ khác) phục vụ cho sản xuất, kinh doanh nhiều kỳ kế toán;
- Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo, quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động được phân bổ tối đa không quá 3 năm;
- Chi phí mua bảo hiểm (bảo hiểm cháy, nổ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ phương tiện vận tải, bảo hiểm thân xe, bảo hiểm tài sản,…) và các loại lệ phí mà doanh nghiệp mua và trả một lần cho nhiều kỳ kế toán;
- Công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê liên quan đến hoạt động kinh doanh trong nhiều kỳ kế toán;
- Chi phí đi vay trả trước về lãi tiền vay hoặc lãi trái phiếu ngay khi phát hành;
- Chi phí sửa chữa TSCĐ phát sinh một lần có giá trị lớn doanh nghiệp không thực hiện trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, phân bổ tối đa không quá 3 năm;
- Số chênh lệch giá bán nhỏ hơn giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại là thuê tài chính;
- Số chênh lệch giá bán nhỏ hơn giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại là thuê hoạt động;
- Trường hợp hợp nhất kinh doanh không dẫn đến quan hệ công ty mẹ – công ty con có phát sinh lợi thế thương mại hoặc khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước có phát sinh lợi thế kinh doanh;
- Các khoản chi phí trả trước khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh của nhiều kỳ kế toán;
- Chi phí nghiên cứu và chi phí cho giai đoạn triển khai không đủ tiêu chuẩn ghi nhận là TSCĐ vô hình được ghi nhận ngay là chi phí sản xuất kinh doanh, không ghi nhận là chi phí trả trước.
Lưu ý: Doanh nghiệp cần lưu giữ đầy đủ các hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí trước khi thành lập doanh nghiệp để làm căn cứ cho việc khấu trừ thuế.