Cán bộ, công chức có được thành lập doanh nghiệp không?
Mục lục
Hiện nay, pháp luật có cho phép cán bộ, công chức có được thành lập doanh nghiệp không? Đây là thắc mắc của rất nhiều cán bộ, công chức khi muốn thành lập doanh nghiệp để kiếm thêm thu nhập cho bản thân và gia đình. Vậy quy định này như thế nào? Các vấn đề liên quan ra sao? Tất cả sẽ được Phan Law Vietnam bật mí qua bài viết sau đây!
1. Cán bộ, công chức là ai?
1.1. Cán bộ là ai?
Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.
1.2. Công chức là ai?
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào cấp bậc, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí công việc trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong:
- Các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;
- Cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;
- Cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an.
Xem thêm: Thành lập doanh nghiệp là gì? Ai có quyền thành lập?
2. Cán bộ, công chức có được thành lập doanh nghiệp không?
Cán bộ, công chức có được thành lập doanh nghiệp không là thắc mắc của rất nhiều người. Theo quy định của pháp luật tại Điểm b, khoản 2, điều 17 Luật doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
Điều 17. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức
Đồng thời Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định:
Điều 37. Những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm
1. Cán bộ, công chức, viên chức không được làm những việc sau đây:
a) Cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc;
b) Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
c) Làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết;
d) Kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;
đ) Sử dụng trái phép thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị vì vụ lợi.
2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán – tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.
Như vậy, cán bộ, công chức không được thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Việc này nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, làm quyền xảy ra gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nếu không có những quy định này, khả năng rất lớn trong hoạt động kinh doanh, cán bộ, công chức sẽ đan xen quyền hạn, nhiệm vụ của mình trong cơ quan nhà nước để trục lợi cá nhân, lơ là trách nhiệm, thậm chí có thể vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
3. Cán bộ, công chức có được góp vốn không?
Theo cơ sở trên, cán bộ, công chức không được thành lập doanh nghiệp mà chỉ được góp vốn vào từng loại hình doanh nghiệp, cụ thể:
- Đối với công ty cổ phần, cán bộ, công chức chỉ được tham gia với tư cách là cổ đông góp vốn và không được tham gia với tư cách thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của doanh nghiệp.
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, cán bộ, công chức không được góp vốn vào loại hình doanh nghiệp này vì tham gia vào loại hình doanh nghiệp này đồng nghĩa với việc có tư cách thành viên, có vai trò quản lý trong đó.
- Đối với công ty hợp danh thì cán bộ, công chức chỉ được tham gia với tư cách thành viên hợp vốn không được tham gia với tư cách thành viên hợp danh.