Cách nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng như thế nào?
Mục lục
Đăng ký kinh doanh trực tuyến là một thủ tục khá phổ biến, bao gồm nhiều bước khác nhau, trong đó có nộp hồ sơ. Điều này nhằm góp phần giảm chi phí đi lại, đem lại sự tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả cho doanh nghiệp khi tiến hành thành lập công ty. Vậy cách nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng sẽ như thế nào?
Hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng bao gồm những gì?
Tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp lựa chọn, hồ sơ chuẩn bị sẽ khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý, đối với hồ sơ qua mạng, các loại tài liệu sẽ phải chuyển đổi sang văn bản điện tử với định dạng “docx”, “pdf”. Đồng thời, cần có một số các giấy tờ căn bản, bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên/ Danh sách cổ đông sáng lập.
- CMND/ CCCD/ Hộ chiếu của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là cá nhân.
- Văn bản uỷ quyền cho người nộp hồ sơ hoặc hợp đồng dịch vụ và giấy giới thiệu tổ chức tiến hành nộp hồ sơ.
- CMND/ CCCD của người nộp hồ sơ.
Ưu điểm của nộp hồ sơ qua mạng?
Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh trực tuyến có tương đối nhiều ưu điểm nổi bật. Trong đó phải kể đến:
- Doanh nghiệp sẽ chủ động sắp xếp được thời gian nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh.
- Quá trình nộp hồ sơ sẽ theo dõi và xử lý cũng như biên nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh online được dễ dàng.
- Việc đăng ký hồ sơ online sẽ giảm bớt chi phí, nhất là trường hợp doanh nghiệp lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa bàn khác tỉnh.
- Các thủ tục thực hiện được đơn giản hóa, thực hiện nhanh chóng.
Điều kiện nộp hồ sơ đăng ký qua mạng
Theo khoản 3 Điều 43 Nghị định 01/2021/NĐ – CP, điều kiện nộp hồ sơ qua mạng phải đáp ứng yêu cầu sau:
- Có đầy đủ các giấy tờ và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định như hồ sơ bằng bản giấy và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ bằng bản giấy.
- Các thông tin đăng ký doanh nghiệp được kê khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phải đầy đủ và chính xác theo các thông tin trong hồ sơ bằng bản giấy; có bao gồm thông tin về số điện thoại, thư điện tử của người nộp hồ sơ.
- Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử phải được xác thực bằng chữ ký số hoặc Tài khoản đăng ký kinh doanh của người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp hoặc người được người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có các giấy tờ, tài liệu quy định tại Điều 12 Nghị định này.
Cách nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng
Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng sẽ góp phần giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại. Đồng thời, thông qua việc này, doanh nghiệp cũng dễ dàng tìm kiếm thông tin, nhằm thuận lợi hóa quá trình đăng ký. Do đó, cách thức nộp hồ sơ sẽ trải qua hai giai đoạn, bao gồm:
Tạo tài khoản đăng ký kinh doanh
Trước tiên, để nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, các cá nhân, tổ chức cần phải chuẩn bị một tài khoản đăng ký kinh doanh. Cách tạo tài khoản sẽ tiến hành theo các bước như sau:
- Bước 1: Truy cập vào trang web của Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp và gửi yêu cầu tài khoản đăng ký kinh doanh.
- Bước 2: Chọn mục tạo tài khoản mới trên website.
- Bước 3: Điền đầy đủ thông tin cá nhân và thông tin tài khoản theo hướng dẫn để được cấp tài khoản. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý đến tính chính xác của thông tin kê khai.
- Bước 4: Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ gửi thông báo và cho phép chủ tài khoản sử dụng để nộp hồ sơ và đăng ký kinh doanh kể từ sau 01 ngày làm việc.
Cách thức nộp hồ sơ qua mạng
Sau khi được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh, các cá nhân, tổ chức sẽ tiến hành nộp hồ sơ online theo các bước dưới đây:
- Bước 1: Truy cập website của Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp và đăng nhập vào tài khoản đã được cấp trước đó.
- Bước 2: Người nộp hồ sơ sẽ kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và ký vào hồ sơ đăng ký để xác thực. Đối với trường hợp uỷ quyền thực hiện đăng ký kinh doanh, văn bản uỷ quyền phải có thông tin liên hệ của người uỷ quyền để xác thực.
- Bước 3: Sau khi nộp hồ sơ, người thực hiện thủ tục này sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
- Bước 4: Trong trường hợp hồ sơ đủ điều kiện, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông báo đến cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo qua mạng yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ.