Hướng dẫn cách đăng ký mã vạch công ty
Mục lục
Đăng ký mã vạch công ty là giải pháp hiệu quả để bảo vệ sản phẩm, thương hiệu của mình. Hiện nay, trên thị trường có hàng ngàn, hàng triệu sản phẩm với nhiều mẫu mã, kiểu dáng khác nhau. Bên cạnh đó, số lượng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường càng gia tăng mạnh mẽ. Những yếu tố này đã gây khó khăn cho người tiêu dùng khi chọn sản phẩm có chất lượng tốt.
Đăng ký mã vạch công ty được hiểu như thế nào?
Đăng ký mã vạch công ty được hiểu là việc công ty/doanh nghiệp thực hiện quy trình các bước đăng ký mã vạch tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch, trong đó (tham khảo Điều 3 quy định ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN, Nghị định 74/2018/NĐ-CP):
- Mã vạch được hiểu là một dãy các vạch được sắp xếp song song.
- Mã số được hiểu là một dãy các con số được sử dụng nhằm phân định sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, tổ chức.
- Mã vạch và mã số sẽ kết hợp cùng với nhau để giúp máy quét có thể đọc được thông tin.
Lợi ích của việc đăng ký mã vạch công ty như thế nào?
Khi các bạn đăng ký mã vạch công ty thì sẽ đem lại nhiều lợi ích như sau:
Thứ nhất, đối với công ty/doanh nghiệp
Việc sử dụng mã vạch cho sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp rất nhiều, cụ thể như sau:
- Giúp công ty/doanh nghiệp không mất nhiều công sức trong việc quản lý số lượng sản phẩm.
- Là tiền đề công ty/doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường rộng hơn thậm chí là xuất khẩu sang các quốc gia khác từ đó nâng cao doanh thu.
- Hỗ trợ nhân viên bán hàng có thể thực hiện dễ dàng khâu tính tiền cho khách hàng thông qua phần mềm chuyên dụng.
- Hỗ trợ quá trình kiểm kê hàng hóa một cách hiệu quả và nhanh chóng.
- Sự minh bạch thông tin xuất xứ sản phẩm sẽ tạo lòng tin đối với người tiêu dùng. Từ đó, đảm bảo uy tín, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng đối với sản phẩm của mình.
- Góp phần tạo nên thương hiệu riêng cho công ty/doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, sản xuất hàng hoá. Nâng cao tính cạnh tranh, vị thế của công ty/doanh nghiệp trên thị trường.
Thứ hai, đối với người tiêu dùng
Việc đăng ký mã vạch không chỉ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà cũng đem lại những lợi ích nhất định cho người tiêu dùng, như:
- Thông qua mã vạch có thể biết chính xác nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, có thể nắm được thông tin về nhà sản xuất, quốc gia, sản phẩm đó,… Đây là một trong những cơ sở để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hàng hóa đó
- Đưa mã số mã vạch lên sản phẩm, giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng
Thủ tục đăng ký mã số mã vạch sản phẩm của doanh nghiệp như thế nào?
Căn cứ Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi nghị định 132/2008/NĐ-CP thì quy trình các bước để đăng ký mã số mã vạch sản phẩm của doanh nghiệp được diễn ra như sau:
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ hồ sơ đăng ký
Các bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng những giấy tờ khi đi đăng ký sau:
- Đơn đăng ký sử dụng mã số, mã vạch theo Mẫu số 12 Phụ lục ban hành kèm Nghị định 74/2018/NĐ-CP
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định thành lập.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký
Công ty/doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện thủ tục mã số, mã vạch sản phẩm lập 01 bộ hồ sơ như trên để nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới cơ quan thường trực về mã số, mã vạch, cụ thể là nộp cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
Lưu ý: Nếu nộp trực tiếp thì phải có bản chính để đối chiếu. Nếu gửi qua bưu điện phải nộp bản sao được chứng thực hoặc bản sao y bản chính có ký tên, đóng dấu.
Bước 3: Ra quyết định cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận
Khi giấy tờ hồ sơ bạn nộp không đầy đủ, trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhận được hồ sơ thì họ sẽ thông báo sửa đổi, bổ sung;
Khi giấy tờ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ và đã đóng các khoản phí theo quy định, trong vòng 20 ngày kể từ ngày Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhận được hồ sơ thì họ sẽ cấp Giấy chứng nhận