Các trường hợp giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật
Mục lục
Trong từ điển Luật học của Viện Khoa học pháp lý, giải thể doanh nghiệp được định nghĩa “là thủ tục chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp với tư cách là chủ thể kinh doanh…” Do đó, chủ thể cần phải dựa theo quy định của pháp luật về các trường hợp giải thể doanh nghiệp. Điều này giúp tạo điều kiện để doanh nghiệp rút khỏi thị trường một cách hợp pháp.
Khái niệm giải thể doanh nghiệp
Khái niệm giải thể doanh nghiệp được định nghĩa ở nhiều văn bản khác nhau. Tuy nhiên, trong Giáo trình Luật thương mại của trường Đại học Luật Hà Nội, có thể hiểu là:
“Giải thể doanh nghiệp là quá trình chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp trong điều kiện doanh nghiệp có khả năng thanh toán hoặc bảo đảm thanh toán các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp.
Như vậy, giải thể doanh nghiệp là thủ tục quan trọng với nhiều vấn đề pháp lý phát sinh. Đồng thời, đây cũng là thủ tục nhằm hợp pháp hóa việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Điều kiện giải thể của doanh nghiệp
Về nguyên tắc, doanh nghiệp chỉ được rút khỏi thị trường khi xử lý ổn thỏa các nghĩa vụ đã tạo lập trong quá trình thành lập và hoạt động. Do đó, doanh nghiệp được giải thể khi đáp ứng các điều kiện tại khoản 2 Điều 207, cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
- Doanh nghiệp không hoặc không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài.
Các trường hợp giải thể doanh nghiệp theo quy định pháp luật
Theo quy định pháp luật, trường hợp giải thể được quy định tại Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể bao gồm các trường hợp sau:
Trường hợp 01, giải thể tự nguyện
Giải thể tự nguyện là chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp theo ý chí của chủ sở hữu doanh nghiệp. Trong đó được xác định như sau:
Khi kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ Công ty mà không có quyết định gia hạn.
Trong quá trình thành lập, các thành viên trong công ty đều hướng đến mục tiêu và xác định thời hạn để hoàn thành mục tiêu đó. Tuy nhiên, khi hết thời hạn hoạt động mà các thành viên không xin gia hạn hoặc có xin nhưng bị cơ quan có thẩm quyền từ chối thì công ty sẽ phải giải thể.
Chủ sở hữu doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh
Luật doanh nghiệp năm 2020 ghi nhận khi chủ sở hữu không muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh thì họ có quyền quyết định việc giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, giải thể doanh nghiệp không phải là cách duy nhất để dừng hoạt động kinh doanh và giải phóng các nghĩa vụ tài sản.
Chủ sở hữu hoàn toàn có thể bán doanh nghiệp và chuyển giao các quyền, nghĩa vụ tài sản cho người mua nhằm tối đa hoá lợi ích kinh tế. Thế nhưng trên thực tế, việc giải thể doanh nghiệp thường chỉ tiến hành khi bán doanh nghiệp không thực hiện thành công.
Trường hợp 02, giải thể bắt buộc
Đây là việc chấm dứt hoạt động của công ty theo ý chí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Trong đó gồm các căn cứ sau:
Giải thể bắt buộc khi công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu mà không có giải pháp khắc phục trong thời gian luật định
Theo quy định của pháp luật, đối với mỗi loại hình công ty, pháp luật quy định số lượng thành viên tối thiểu. Cụ thể, đối với công ty cổ phần phải có ít nhất ba cổ đông, đối với công ty hợp danh thì phải có ít nhất hai thành viên hợp danh,…
Vì thế, khi số lượng thành viên giảm dưới mức tối thiểu, công ty cần phải có giải pháp khắc phục trong khoảng thời gian nhất định. Những giải pháp khắc phục có thể là kết nạp thành viên mới, chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp khác có quy định về số lượng thành viên tối thiểu ít hơn. Nếu không xử lý được theo những cách này công ty thuộc trường hợp phải tiến hành giải thể.
Khi doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thành lập hoạt động và bị xử lý đình chỉ hoạt động thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là căn cứ pháp lý ghi nhận sự ra đời của doanh nghiệp trên thị trường. Khi doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc Nhà nước rút lại sự công nhận tư cách chủ thể kinh doanh đối với doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp bắt buộc phải tiến hành thủ tục giải thể.
Đây được coi là chế tài nghiêm khắc đặt ra đối với các doanh nghiệp khi vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Có thể nói, đây là một trong những công cụ hiệu quả để hậu kiểm với việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định tại khoản 1 điều 212 luật Doanh nghiệp 2020.
Cần làm gì nếu doanh nghiệp muốn giải thể?
Như chúng tôi đã phân tích, các trường hợp giải thể doanh nghiệp tương đối đa dạng với nhiều vấn đề pháp lý phát sinh. Tuy nhiên, trong trường hợp chủ sở hữu doanh nghiệp muốn tiến hành giải thể một cách thuận lợi, có thể liên hệ các đơn vị tư vấn uy tín, chất lượng.
Với nhiều năm kinh nghiệm cùng đội ngũ luật sư có trình độ, chuyên môn cao, Văn phòng đăng ký kinh doanh nhanh sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết vấn đề cho bạn một cách tối ưu.