Các cách quản lý doanh nghiệp tư nhân
Mục lục
Việc thành lập doanh nghiệp vốn đã khó thì quản lý doanh nghiệp lại càng khó hơn. Nhất là đối với doanh nghiệp tư nhân là loại hình mà chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm vô hạn về các vấn đề phát sinh. Do đó nếu hoạt động quản lý không hiệu quả sẽ khiến chủ doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro. Chính vì vậy mà các cách quản lý doanh nghiệp tư nhân rất được quan tâm và nhất thiết phải được thể hiện rõ ràng. Chỉ khi có cách quản trị hiệu quả thì chủ doanh nghiệp mới có thể yên tâm tiến hành các hoạt động kinh doanh.
Quy định về cách quản lý doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ sở hữu và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động. Do đó mà chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật cũng sẽ do chủ sở hữu quyết định.
Để phù hợp cho từng cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp khác nhau mà pháp luật Việt Nam nói chung mà cụ thể là Luật doanh nghiệp 2014 quy định có 2 cách quản lý doanh nghiệp tư nhân. Theo đó chủ doanh nghiệp có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Nhưng một điều phải lưu ý rằng dù là thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì chủ sở hữu vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Điều 185 Luật doanh nghiệp 2014 quy định rõ, chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp. Đồng thời cũng chính là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Một số cách hoạt động khác của doanh nghiệp tư nhân
Ngoài việc trực tiếp điều hành và quản trị doanh nghiệp thì chủ sở hữu cũng có thể vận hành doanh nghiệp bằng cách cho thuê. Nếu trong trường hợp không muốn tiếp tục hoạt động thì chủ doanh nghiệp có quyền bán doanh nghiệp của mình cho một chủ thể khác.
Cho thuê doanh nghiệp
Điều 186 Luật doanh nghiệp 2014 có quy định, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên phải thực hiện thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực thi hành. Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp. Quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu và người thuê đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được quy định trong hợp đồng cho thuê.
Bán doanh nghiệp
Khi nhận thấy hoạt động kinh doanh không hiệu quả hoặc do các lý do cá nhân mà không muốn kinh doanh nữa thì có thể bán lại doanh nghiệp đó. Mặc dù vậy, sau khi bán chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác.
Lưu ý, người bán, người mua doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động. Người mua doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này.