Bao nhiêu phòng trọ thì phải đăng ký kinh doanh?
Mục lục
Kinh doanh phòng trọ là dịch vụ kinh doanh có rất nhiều cơ hội phát triển khi thành phố ngày càng đông dân cư và khát nhà ở. Nhiều nhà đầu tư thắc mắc kinh doanh phòng trọ có đăng ký kinh doanh hay không? Bao nhiêu phòng trọ thì phải đăng ký kinh doanh. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu vấn đề này.
1. Bao nhiêu phòng trọ thì phải đăng ký kinh doanh?
Theo quy định của pháp luật những trường hợp không phải đăng ký kinh doanh bao gồm:
– Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong.
– Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định.
– Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định.
Vì kinh doanh phòng trọ không thuộc những trường hợp trên nên bắt buộc bạn phải đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước.
Pháp luật không có quy định về mô hình, số lượng phòng trọ như thế nào thì không phải đăng ký kinh doanh. Vì vậy khi tiến hành kinh doanh bạn phải đăng ký kinh doanh bất kể quy mô, số phòng ít hay nhiều.
Nếu bạn muốn kinh doanh phòng trọ có thể đăng ký thành lập hộ kinh doanh.
Tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh được định nghĩa như sau:
“1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”
Theo như quy định của pháp luật, chúng ta nhận thấy có một số điểm thay đổi về định nghĩa hộ kinh doanh cá thể theo quy định của luật mới:
- Chủ thể có quyền thành lập hộ kinh doanh đã không bao gồm “nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ” mà chỉ chấp thuận cá nhân, thành viên hộ gia đình làm được quyền thành lập hộ kinh doanh.
- Nghị định mới không còn giới hạn số lượng thành viên lao động của hộ gia đình là dưới 10 lao động như quy định cũ tại khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
2. Thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể
2.1. Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể gồm có:
- Danh sách các cá nhân góp vốn thành lập hộ kinh doanh;
- Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình;
- Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:
- Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
- Ngành, nghề kinh doanh;
- Số vốn kinh doanh;
- Số lao động;
- Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
2.2. Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét hồ sơ
Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
- Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
- Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này;
- Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thi người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.