Bản dịch giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Mục lục
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là một văn bản khai sinh đối với doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có hoạt động giao thương với nước ngoài rất cần bản dịch của giấy tờ này. Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ cung cấp đến các bạn những vấn đề pháp lý xung quanh bản dịch giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
1. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là gì?
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký thuế của doanh nghiệp.
Tại Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định:
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;
2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
3. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;
4.Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.
Vì vậy theo quy định của pháp luật thì thường Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp có 4 nội dung như trên.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được xem là giấy khai sinh của doanh nghiệp. Về mặt pháp lý, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là chứng nhận của cơ quan hành chính Nhà nước về việc công nhận và bảo hộ quyền sở hữu doanh nghiệp.
Điều 34 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Trường hợp doanh nghiệp đăng ký ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh sau ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp được quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày doanh nghiệp đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
2. Thời hạn của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có thời hạn bao lâu sẽ tùy thuộc vào ngành nghề doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
- Nếu doanh nghiệp xin giấy phép kinh doanh của ngành nghề không yêu cầu điều kiện thì không cần lo lắng về thời hạn của giấy phép kinh doanh;
- Nếu doanh nghiệp xin giấy phép kinh doanh cho ngành nghề yêu cầu điều kiện thì đôi khi giấy phép kinh doanh sẽ có thời hạn cụ thể.
Vì vậy, nếu bạn đăng ký kinh doanh những ngành nghề không thuộc nhóm ngành nghề có điều kiện thì pháp luật không quy định thời hạn là bao lâu, nghĩa là bạn có thể tiếp tục kinh doanh cho đến khi giải thể doanh nghiệp hoặc có những thay đổi cần đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chủ thể kinh doanh phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể trong thực tế mới có thể tiến hành kinh doanh. Danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, bao gồm 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (trước đây là 243 ngành nghề theo quy định của Luật Đầu tư 2014). Mỗi ngành nghề có mỗi điều kiện riêng vì vậy thời hạn giấy phép kinh doanh cũng có sự khác biệt.
Trong một số trường hợp doanh nghiệp cần phải chú ý đến giấy phép con như giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy cam kết bảo vệ môi trường… mỗi loại giấy cũng có thời hạn 3-5 năm.
3. Bản dịch giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Những trường hợp cần có bản dịch chứng nhận đăng ký kinh doanh là khi hợp tác với các đối tác nước ngoài hoặc có phát sinh yêu cầu nộp cho lãnh sự quán. Một số trường hợp dịch thuật cần có công chứng bản dịch thuật để đảm bảo giá trị pháp lý. Bản dịch công chứng của giấy chứng nhận doanh nghiệp sẽ có giá trị pháp lý cao như bản gốc.
Trường hợp bạn không muốn dịch thuật cũng có thể tìm đến những văn phòng Luật sư, văn phòng công chứng để được tư vấn dịch thuật một cách chính xác, nhanh nhất.
Bạn cũng có thể tự mình dịch giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên khi công chứng bạn cần phải tốn chi phí công chứng và chi phí hiệu đính bản dịch.