Đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu
Mục lục
Sự hội nhập quốc tế đã giúp các hoạt động kinh doanh được mở rộng hơn bao giờ hết. Điển hình là lĩnh vực xuất nhập khẩu trong hoạt động lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường. Khác với các lĩnh vực khác, thay vì là một ngành nghề kinh doanh cụ thể thì đây lại là một trong những quyền của doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp được thành lập chính thức thì xuất nhập khẩu trở thành quyền mặc định. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng nào thì được quyền xuất khẩu mặt hàng đó. Tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp cho rằng phải đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu thì mới có thể hoạt động trong lĩnh vực này.
Thế nào về hoạt động xuất nhập khẩu?
Vốn là một hoạt động thương mại đặc trưng nên xuất nhập khẩu rất được các nhà đầu tư quan tâm. Mặc dù chỉ là một hoạt động đơn thuần chứ không phải là ngành nghề kinh doanh riêng biệt nhưng xuất nhập khẩu vẫn được định nghĩa một cách chính thức. Điều 28 Luật Thương mại năm 2005 có quy định về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa như sau:
- Xuất khẩu hàng hóa: Đây là là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
- Nhập khẩu hàng hóa: Việc hàng hoá được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.
Đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu
Khoản 5 Điều 7 Luật doanh nghiệp 2014 đã công nhận kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu là quyền của doanh nghiệp. Nghĩa là sau khi đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp có thể thực hiện thêm hoạt động này.
Quyền kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp
Để cụ thể hơn cho quyền này thì pháp luật còn quy định chi tiết tại Điều 3 Nghị định 187/2013/NĐ-CP. Tuỳ theo từng đối tượng doanh nghiệp mà quyền này có thể được thực hiện ở một cách thức khác nhau. Chẳng hạn như với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thì nội dung này sẽ bị giới hạn.
Cụ thể thương nhân có quyền xuất nhập khẩu hàng hoá nhưng trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm. Hay những hàng hoá thuộc danh mục tạm ngừng thì cũng bị giới hạn. Những danh mục sẽ được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật có liên quan. Thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh. Đối với chi nhánh cũng có quyền này theo ủy quyền của thương nhân.
Đối với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam thì nội dung này sẽ có những khác biệt. Theo đó các chủ thể này tiến hành hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định. Ngoài ra còn thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và lộ trình do Bộ Công Thương công bố.
Lưu ý, đối với hàng hóa có điều kiện thì khi tiến hành trước hết cần thực hiện quy định của Nghị định này. Tiếp đó là các quy định của pháp luật về điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đó.
Thủ tục đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu
Như đã nói đây là quyền mà doanh nghiệp có thể được thực hiện theo ý muốn. Ngoài quy định của Luật doanh nghiệp 2014 thì vấn đề này còn được thể hiện qua biểu mẫu kèm theo Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT. Tại phần kê khai thông tin giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, hoạt động “xuất nhập khẩu” thuộc thông tin Đăng ký thuế chứ không thuộc thông tin về “ngành nghề kinh doanh. Như vậy doanh nghiệp sẽ không cần có thêm thủ tục đăng ký kinh doanh.
Vì vậy, khi muốn thành lập doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này thì doanh nghiệp chỉ cần kê khai đúng thông tin đăng ký thuế. Đồng thời còn cần đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật chuyên ngành để xuất nhập khẩu.