Đăng ký kinh doanh phế liệu có khó không?
Mục lục
Kinh doanh phế liệu là một trong những loại hình kinh doanh được pháp luật thừa nhận. Nền công nghiệp phát triển ngày càng mạnh thì nhu cầu xử lý, trao đổi phế liệu sẽ ngày càng tăng theo cấp số nhân. Đăng ký kinh doanh phế liệu phải tiến hành như thế nào, liệu ngành nghề kinh doanh này có những yêu cầu đặc biệt gì hay không? Cùng tìm hiểu ngay trong nội dung bài viết dưới đây của Phan Law Vietnam.
Một số nét về hoạt động kinh doanh phế liệu
Theo định nghĩa tại khoản 16 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2014, phế liệu được hiểu là: “…vật liệu được thu hồi, phân loại, lựa chọn từ những vật liệu, sản phẩm đã bị loại bỏ từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng để sử dụng làm nguyên liệu cho một quá trình sản xuất khác.”.
Ngoài hoạt động thường thấy nhất đó là thu mua, xử lý, tái chế phế liệu; việc kinh doanh phế liệu còn được thực hiện qua hoạt động nhập khẩu phế liệu. Có thể thấy, hoạt động kinh doanh phế liệu chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường, vì vậy khi bạn muốn đăng ký kinh doanh phế liệu cần phải tiến hành một số thủ tục để đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường.
Bạn có thể lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với nhu cầu và quy mô kinh doanh của mình. Một số loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện tại bao gồm:
- Hộ kinh doanh
- Doanh nghiệp tư nhân
- Công ty hợp danh
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
- Công ty cổ phần.
Hãy tìm hiểu từng điểm mạnh, điểm yếu của từng loại hình doanh nghiệp để có thể xác định và lựa chọn loại hình chính xác nhất, tránh phát sinh thêm các trường hợp không mong muốn khi làm thủ tục với cơ quan nhà nước.
Điều kiện kinh doanh nhập khẩu phế liệu
Như đã chia sẻ ở trên, trong trường hợp bạn muốn hoạt động kinh doanh nhập khẩu phế liệu, ngoài đăng ký kinh doanh phế liệu bình thường, bạn cần đáp ứng được các yêu cầu tại Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường 2014:
- Phế liệu đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu
- Có kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu bảo đảm điều kiện về bảo vệ môi trường;
- Có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Ngoài ra, Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu có trách nhiệm theo khoản 3 Điều 76 Luật Bảo vệ môi trường 2014:
“a) Chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất;
b) Phải xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; không được cho, bán tạp chất đi kèm phế liệu;
c) Phải tái xuất phế liệu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trường hợp không tái xuất được thì phải xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải;
d) Thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định của Chính phủ.”
Trình tự thành lập doanh nghiệp kinh doanh phế liệu
Để bắt đầu đăng ký kinh doanh phế liệu, trước hết bạn cần làm hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Thành phần hồ sơ bao gồm một số các tài liệu sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Danh sách thành viên, cổ đông
- Giấy tờ chứng thực cá nhân tham gia thành lập công ty.
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký doanh nghiệp, bạn tiếp tục tiến hành thủ tục cam kết về bảo vệ môi trường. Tiến hành lập và đăng ký xác nhận vào những đề án bảo vệ môi trường đơn giản. Ngoài ra, tùy thuộc vào ngành nghề cụ thể kinh doanh bạn cần phải thực hiện thêm một số các thủ tục pháp lý liên quan.