Không đăng ký kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh hay không?
Mục lục
Các hoạt động kinh doanh trên thị trường Việt Nam rất đa dạng. Từ các ngành nghề truyền thống đến việc hợp tác quốc tế. Có phải tất cả mọi hoạt động kinh doanh đều bắt buộc phải đăng ký kinh doanh? Liệu có hoạt động nào không đăng ký kinh doanh vẫn có thể hoạt động hay không? Để giải đáp các thắc mắc về vấn đề đăng ký kinh doanh trên, Phan Law Vietnam xin gửi đến quý bạn đọc một số các thông tin pháp lý liên quan ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Trường hợp này nào được phép không đăng ký kinh doanh?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Doanh nghiệp 2014: “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.”
Cụ thể hơn, các cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo hướng dẫn tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP có thể hiểu:
- Buôn bán rong: là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định. Bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
- Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định
- Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định
- Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ
- Dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định
Các điều kiện đối với hoạt động không đăng ký kinh doanh
Tuy không cần tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh, nhưng cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại cần đảm bảo một số các yếu tố sau.
Thứ nhất, phạm vi hàng hóa, dịch vụ thương mại
Khi hoạt động thương mại không đăng ký kinh doanh không được kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ sau:
- Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh
- Hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng hết hạn sử dụng, hàng không bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng không bảo đảm chất lượng, hàng mất phẩm chất, kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động, thực vật bị dịch bệnh;
- Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh
Thứ hai, phạm vi về địa điểm kinh doanh và bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh, an toàn
Người hoạt động thương mại theo điều kiện này không được hoạt động ở các địa điểm được quy định ở khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2017/NĐ-CP. Cá nhân hoạt động phải đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh. Cấm gây rối trật tự ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khoẻ, an toàn và phúc lợi chung của cộng đồng. Cấm sử dụng các phương tiện điện tử để thực hiện các hoạt động thương mại và hoạt động có liên quan đến thương mại xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc làm ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin cá nhân.