Đăng ký kinh doanh phòng trọ hiệu quả
Mục lục
Hoạt động cho thuê phòng trọ được rất nhiều người lựa chọn đầu tư. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, xuất hiện rất nhiều hình thức cho thuê trọ nhỏ lẽ, cũng như chuỗi cho thuê phòng trọ. Không phải bất kỳ hình thức kinh doanh nhà trọ nào cũng có thủ tục đăng ký giống nhau. Vậy thực hiện đăng ký kinh doanh phòng trọ nên làm như thế nào để nhanh chóng và chính xác nhất? Nhà đầu tư nên lựa chọn hình thức kinh doanh nào cho phù hợp với mục tiêu kinh doanh của mình?
1. Có thể kinh doanh phòng trọ dưới hình thức nào?
Cho thuê phòng trọ phù hợp từ loại hình kinh doanh nhỏ tự phát, hoặc chuỗi nhà trọ mở rộng. Tùy thuộc vào điều kiện của mỗi người, có thể lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp. Cho thuê phòng trọ là một trong những hình thức kinh doanh bất động sản. Theo quy định tại Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản:
“1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2.Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải thành lập doanh nghiệp nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, tùy thuộc vào mô hình hoạt động kinh doanh chi tiết mà bạn có thể bắt buộc hoặc không cần thành lập doanh nghiệp. Các điều kiện này được pháp luật quy định chi tiết tại Luật kinh doanh Bất động sản 2014 và các văn bản liên quan.
2. Trường hợp nào không cần đăng ký kinh doanh
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không phải đăng ký kinh doanh phòng trọ được quy định tại Điều 5 Nghị định 76/2015/NĐ-CP bao gồm:
- Không thuộc diện đầu tư bất động sản để kinh doanh. Hoặc đầu tư bất động sản để kinh doanh nhưng dự án có tổng mức đầu tư dưới 20 tỷ
- Xây dựng nhà để cho thuê nhưng không phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về nhà ở.
- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cho thuê, cho thuê mua bất động sản thuộc sở hữu của mình.
Các trường hợp trên tuy không cần thành lập doanh nghiệp, nhưng cần tuân thủ đầy đủ các điều kiện khi hoạt động kinh doanh bất động sản. Cũng như tuân thủ kê khai nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp này chưa có căn cứ để pháp luật bảo hộ những khi xảy ra tranh chấp. Vì vậy chúng tôi khuyên bạn có thể cân nhắc thành lập hộ kinh doanh để được pháp luật công nhận và bảo hộ hoạt động kinh doanh. Hồ sơ thành lập hộ kinh doanh chỉ bao gồm:
- Giấy đề nghị thành lập hộ kinh doanh
- Chứng từ chứng minh nhân thân của cá nhân thành lập
3. Thành lập doanh nghiệp để kinh doanh phòng trọ quy mô lớn
Trường hợp bạn muốn đầu tư phát triển kinh doanh từ đầu, bạn có thể thành lập doanh nghiệp. Khi đăng ký kinh doanh phòng trọ dưới dạng doanh nghiệp bạn phải đáp ứng điều kiện riêng của hoạt động bất động sản. Khoản 1 Điều 3 Nghị định 76/2015/NĐ-CP có hướng dẫn rõ:
“Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng”
Như vậy, ngoài việc thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp như bình thường, bạn cần đảm bảo có mức vốn pháp định ít nhất là 20 tỷ đồng để có thể hoạt động kinh doanh phòng trọ.