[Giải đáp] Thành lập công ty cổ phần cần bao nhiêu vốn điều lệ?
Mục lục
Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng số mệnh giá cổ phần đã bán. Công ty cổ phần kinh doanh một số ngành nghề nhất định sẽ có quy định về vốn điều lệ. Vậy việc thành lập công ty cổ phần cần bao nhiêu vốn? Thắc mắc sẽ được giải đáp chi tiết qua bài viết dưới đây nên bạn hãy theo dõi nhé!
1. Khái niệm và ý nghĩa của vốn điều lệ trong hoạt động kinh doanh công ty cổ phần
Trước khi tìm hiểu về việc thành lập công ty cổ phần cần bao nhiêu vốn điều lệ thì bạn cần hiểu về khái niệm, ý nghĩa của vốn điều lệ trước.
Vốn điều lệ là số tiền mà các cổ đông hoặc chủ sở hữu đầu tư vào một công ty hoặc doanh nghiệp để thành lập, mở rộng hoặc duy trì hoạt động kinh doanh của công ty đó. Khái niệm và ý nghĩa của vốn điều lệ trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam được quy định trong Luật doanh nghiệp và đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tài chính và khả năng hoạt động của một công ty.
Cụ thể, vốn điều lệ của công ty cổ phần đóng vai trò quan trọng như:
- Đảm bảo khả năng tài chính: Vốn điều lệ là nguồn tài chính chủ yếu để công ty thực hiện các hoạt động kinh doanh và đảm bảo khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính. Mức độ vốn điều lệ thể hiện trạng thái tài chính và khả năng thanh toán của công ty.
- Xác định trách nhiệm pháp lý: Vốn điều lệ của công ty cổ phần cũng xác định trách nhiệm pháp lý của các chủ sở hữu công ty. Trong trường hợp công ty gặp khó khăn tài chính và phá sản, các chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm mức độ vốn đã cam kết đầu tư vào công ty.
- Mức độ hấp dẫn với đối tác và nhà đầu tư: Mức độ vốn điều lệ càng cao thể hiện khả năng tài chính và sự ổn định của công ty. Điều này tạo ra lòng tin và thu hút đối tác kinh doanh và nhà đầu tư, đồng thời tăng khả năng vay vốn từ các nguồn tài trợ bên ngoài.
- Đánh giá giá trị công ty: Mức độ vốn điều lệ cũng ảnh hưởng đến giá trị thị trường của công ty. Vốn điều lệ cao có thể gợi ý rằng công ty có tiềm năng lớn hơn và có khả năng sinh lời cao hơn.
2. Thành lập công ty cổ phần cần bao nhiêu vốn điều lệ?
Thành lập công ty cổ phần cần bao nhiêu vốn điều lệ? Luật Doanh nghiệp năm 2020 không quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu cũng như không giới hạn mức vốn điều lệ tối đa. Tuy nhiên một số ngành, nghề đặc thù yêu cầu vốn pháp định hoặc ký quỹ thì sẽ phải đáp ứng yêu cầu về vốn theo quy định.
Theo Khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 nghiêm cấm hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký.
Bên cạnh đó cũng quy định tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam tại Điều 34.
Ngoài ra, pháp luật không quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập công ty cổ phần. Tuy nhiên, mức vốn điều lệ là phần quan trọng thể hiện uy tín, trách nhiệm của các thành viên góp vốn đối với khách hàng, đối tác. Tùy vào từng khả năng kinh tế của thành viên công ty, mục đích, định hướng hoạt động mà mức vốn điều lệ được quyết định khác nhau.
Do đó, nếu vốn điều lệ quá thấp thì doanh nghiệp sẽ khó tạo niềm tin cho khách hàng, đối tác. Còn với mức vốn điều lệ ở mức quá cao thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng tạo sự tin tưởng nhưng trách nhiệm rủi ro của các thành viên góp vốn sẽ cao hơn. Vì vậy thành lập công ty cổ phần cần bao nhiêu vốn điều lệ sẽ dựa vào hoạt động và tính toán của doanh nghiệp.
Xem thêm: Biên bản thoả thuận góp vốn thành lập công ty cổ phần
3. Thời hạn góp vốn điều lệ của công ty cổ phần là bao nhiêu?
Theo Khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản), trừ trường hợp Điều lệ công ty/hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định thời hạn ngắn hơn.
Như vậy, khi thành lập công ty cổ phần cần lưu ý về thời hạn góp vốn điều lệ của công ty. Nếu quá 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định. Với trường hợp doanh nghiệp thay đổi điều lệ/ hợp đồng đăng ký mua cổ phần ngắn hơn thì có thể rời sang một vài ngày nhưng cũng không được quá lâu khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.