Các thủ tục sau khi thành lập doanh nghiệp cần nắm
Mục lục
Những thủ tục sau khi thành lập doanh nghiệp mà bạn cần làm là gì? Đó chính là treo con dấu, làm biển hiệu, mở tài khoản ngân hàng,… Những thủ tục này cần được thực hiện như thế nào? Bài viết dưới đây của Phan Law Vietnam sẽ hướng dẫn bạn một cách chi tiết nhất.
1. Công bố nội dung đăng ký kinh doanh
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập hoặc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải có trách nhiệm công bố nội dung đăng ký kinh doanh trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp doanh nghiệp không công bố nội dung đăng ký kinh doanh thì sẽ bị chịu mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
2. Treo biển tên công ty
Khoản 4 Điều 37 Luật DN hiện hành đã quy định rõ tên công ty cần phải được gắn tại trụ sở chính. Do đó, nếu doanh nghiệp cố chấp không treo bảng hiệu thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí là bị khóa mã số thuế.
Như vậy, để tránh hậu quả nêu trên, ngay sau khi có đăng ký kinh doanh, công ty có thể chụp ảnh hoặc gửi bản photo cho các đơn vị làm biển quảng cáo để tiến hành thiết kế theo yêu cầu. Doanh nghiệp có thể sử dụng biển tên bằng mica, kích thước từ 20 x 30 cm để treo biển tên công ty theo đúng quy định pháp luật, vừa có thể tiết kiệm được phần nào chi phí.
3. Mở tài khoản ngân hàng, tiến hành đăng ký khai và nộp thuế điện tử
Thực tế, doanh nghiệp không nhất thiết phải mở tài khoản ngân hàng, tuy nhiên việc có tài khoản giao dịch online sẽ đem lại cho doanh nghiệp một số thuận tiện:
- Nộp thuế mà không phải đến trực tiếp kho bạc hoặc ngân hàng để nộp.
- Thể hiện tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp trước đối tác và khách hàng.
- Thuận tiện trong giao dịch với khách hàng. Đồng thời, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
- Kiểm soát, quản lý tốt việc chi tiêu cũng như vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
- Chứng minh hợp lệ đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên
4. Khắc dấu và thông báo mẫu dấu
Doanh nghiệp liên hệ khắc dấu và đăng ký mẫu dấu tại Cơ quan đăng ký kinh doanh Tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương. Ngay sau khi thực hiện việc công bố mẫu dấu trên cổng thông tin đăng ký quốc gia thì doanh nghiệp mới có thể sử dụng con dấu.
Lưu ý: Theo Luật mới nhất quy định rõ, doanh nghiệp được tự ý quyết định số lượng và hình thức con dấu. Tức là doanh nghiệp có thể khắc nhiều con dấu và tự quyết định hình thức mặt dấu.
5. Liên hệ cơ quan thuế để kê khai thuế ban đầu, nộp thuế và nộp tờ khai
Doanh nghiệp phải tiến hành liên hệ cơ quan thuế để thực hiện thủ tục khai thuế ban đầu và nộp tờ khai thuế môn bài trong thời gian chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư. Sau đó, doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục đóng các loại thuế theo quy định.
6. Xin giấy phép đủ điều kiện kinh doanh
Đối với những ngành nghề kinh doanh mà pháp luật quy định phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh,… doanh nghiệp phải xin phép và chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
7. Thực hiện góp vốn theo cam kết
Doanh nghiệp sẽ thực hiện việc góp vốn tùy vào từng loại hình như sau:
- Đối với công ty TNHH: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ sở hữu hoặc các thành viên phải góp vốn đầy đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.
- Đối với công ty cổ phần: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp GCNĐKKD, các cổ đông sáng lập có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần cam kết.
8. Lập sổ đăng ký thành viên hoặc sổ đăng ký cổ đông
Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các công ty có trách nhiệm lập sổ đăng ký thành viên đối với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên, sổ đăng ký cổ đông đối với loại hình công ty cổ phần theo quy định tại Luật doanh nghiệp.
9. Thực hiện chế độ báo cáo tài chính
- Theo quy định của pháp luật đã ghi rõ, doanh nghiệp phải thực hiện chế độ báo cáo tháng, quý và năm định kỳ.
- Doanh nghiệp báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp phải được gửi đến cơ quan thuế theo quy định trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
10. Thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh
Khi có thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký kinh doanh, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thông báo thì doanh nghiệp có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh. Trường hợp không thực hiện thủ tục doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Xem thêm: Dịch vụ thành lập doanh nghiệp
Như vậy, Phan Law Vietnam đã liệt kê các thủ tục sau khi thành lập doanh nghiệp một cách rõ ràng nhất. Hy vọng, bạn đọc sẽ có thêm những thông tin bổ ích và thực hiện đầy đủ các thủ tục để tránh xảy ra những tình huống rủi ro về mặt pháp lý.
Ngoài ra, nếu còn thắc mắc hoặc nhu cầu cần tư vấn, hỗ trợ về thủ tục thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung giấy đăng ký kinh doanh… thì có thể liên hệ với văn phòng luật sư Phan Law Vietnam để được hỗ trợ giải quyết.