Các công ty mới thành lập cần lưu ý gì?
Mục lục
Việc đăng ký thành lập công ty chỉ là bước khai sinh ra doanh nghiệp. Tuy nhiên muốn doanh nghiệp đi vào hoạt động, tồn tại và phát triển bạn cần thực hiện nhiều thủ tục hậu đăng ký kinh doanh. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn những điều cần lưu ý của các công ty mới thành lập.
Để có thể hoàn thành được thủ tục thành lập doanh nghiệp và đi vào hoạt động, doanh nghiệp cần thực hiện những công việc sau:
1. Các công ty mới thành lập cần thực hiện thủ tục công bố doanh nghiệp
– Đăng công bố thành lập doanh nghiệp: Việc doanh nghiệp mới thành lập bắt buộc phải đăng công bố thành lập doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020.
Thời hạn thông báo công khai các thông tin về doanh nghiệp là 30 ngày, kể từ ngày được công khai.
– Khắc dấu và thông báo mẫu dấu: Theo quy định của Luật doanh nghiệp, Công ty mới thành lập được hoàn toàn chủ động trong việc quyết định số lượng và nội dung khắc trên con dấu. Mẫu con dấu cần đảm bảo ghi đầy đủ tên, địa chỉ công ty, mã số thuế.
Công ty mới thành lập cần gửi Thông báo mẫu dấu đến cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
– Tại trụ sở công ty bạn cần phải tiến hành treo bảng hiệu công ty, trong bảng hiệu phải có đầy đủ thông tin như: tên doanh nghiệp, địa chỉ công ty, mã số doanh nghiệp và số điện thoại liên hệ/ trang web của công ty… khi cơ quan thuế kiểm tra nếu không có sẽ bị phạt.
2. Kê khai và nộp thuế
- Đối với công ty mới thành lập và chưa có hoạt động sản xuất kinh doanh thì hạn nộp tờ khai và tiền thuế môn bài là 30 ngày kể từ ngày cấp giấy phép đăng ký kinh doanh;
- Đối với công ty mới thành lập mà có phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh thì chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thành lập theo giấy phép ĐKKD;
- Doanh nghiệp thành lập 6 tháng đầu năm: Phải nộp thuế Môn bài cả năm;
- Doanh nghiệp thành lập 6 tháng cuối năm (từ 01/07 về cuối năm): Sẽ nộp thuế Môn bài: 1/2 năm.
3. Treo bảng hiệu
Treo bảng hiệu tại nơi đăng ký doanh nghiệp là việc cần thực hiện ngay khi công ty đi vào hoạt động. Về kích thước, doanh nghiệp có thể thực hiện tùy ý hoặc dựa vào mặt bằng công ty.
Theo quy định tại Điều 34 Luật quảng cáo, nội dung bảng hiệu bao gồm những thông tin: Tên công ty, địa chỉ, mã số doanh nghiệp. Những thông tin này bắt buộc phải tương ứng với những gì chủ sở hữu đã đăng ký trước đó.
4. Mở tài khoản ngân hàng cho công ty
Mở tài khoản ngân hàng cho công ty là một trong những việc doanh nghiệp cần thực hiện ngay khi công ty vừa thành lập. Sau khi đã có tài khoản, doanh nghiệp thông báo tài khoản đó lên Sở Kế Hoạch và Đầu Tư tại nơi công ty đặt trụ sở. Thủ tục thông báo tài khoản công ty phải được thực hiện trong vòng 10 ngày kể từ ngày xác nhận mở tài khoản thành công.
5. Làm thủ tục phát hành hóa đơn
Hóa đơn GTGT (hay còn gọi là hóa đơn VAT) và hóa đơn bán hàng trực tiếp có thể sử dụng hình thức hóa đơn điện tử và hóa đơn giấy. Dù doanh nghiệp sử dụng loại hóa đơn nào thì vẫn phải thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn gửi lên cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
- Đối với hóa đơn giấy: Sau khi làm thủ tục đặt in hóa đơn GTGT, được sự đồng ý từ cơ quan thuế trực tiếp quản lý, doanh nghiệp mới tiến hành liên hệ đơn vị in hóa đơn và phát hành;
- Đối với hóa đơn điện tử: Sau khi hồ sơ đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được duyệt (khoảng 2 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ), hóa đơn xuất ra mới có giá trị sử dụng.
6. Báo cáo tài chính cho công ty mới thành lập
Khi lập báo cáo tài chính doanh nghiệp mới thành lập bạn cần phải xem xét xem doanh nghiệp mình thuộc loại hình nào, trong quy định cần phải có những báo cáo nào để soạn thảo báo cáo tài chính nộp cho Cơ quan thuế, Cơ quan thống kê sao cho đúng thủ tục.
Phân chia theo loại hình công ty thì báo cáo tài chính được chia ra làm 2 loại: Báo cáo tài chính tổng hợp và báo cáo tài chính riêng lẻ: dùng cho các doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ.
Phân chia theo mẫu báo cáo phải nộp cho nhà nước:
Báo cáo bắt buộc phải nộp:
- Báo cáo tình hình tài chính: Bản kê khai tài sản mà doanh nghiệp sở hữu; các khoản nợ;
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: cân bằng thu chi, mức thu nhập, mức lời lỗ,…
- Bản thuyết minh báo cáo tài chính: chế độ kế toán, năm kế toán, đơn vị tiền tệ sử dụng trong báo cáo cùng các thông tin quan trọng khác.
Các công ty thông thường sẽ nộp báo cáo tài chính thường niên vào đầu năm, hạn chót là 30/3 hằng năm.
Các doanh nghiệp mới thành lập thì thời gian nộp báo cáo tài chính sẽ áp dụng như sau:
Theo Điều 13 Luật kế toán 03/2003 có quy định như sau: “Nếu kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc năm cuối cùng nhỏ hơn 90 ngày thì được phép cộng với 1 kỳ kế toán của năm tiếp theo hoặc năm trước đó và được gộp thành chung 1 kỳ kế toán”
- Nếu doanh nghiệp thành lập là sau ngày 1/10 thì báo cáo tài chính được gộp chung với báo cáo tài chính của năm sau và khai báo như một kỳ kế toán bình thường;
- Nếu ngược lại, doanh nghiệp thành lập trước ngày 1/10 thì phải nộp báo cáo tài chính của riêng năm đó.