Doanh nghiệp nào không có tư cách pháp nhân?
Mục lục
Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, có 03 loại hình doanh nghiệp chính có tư cách pháp nhân bao gồm Công ty hợp danh, Công ty cổ phần và Công ty trách nhiệm hữu hạn. Bên cạnh đó sẽ có loại hình doanh nghiệp không được công nhận với tư cách này. Vậy doanh nghiệp nào không có tư cách pháp nhân?
Doanh nghiệp nào không có tư cách pháp nhân? Lý giải tại sao lại như vậy?
Để làm rõ hơn về vấn đề này, ở phần này chúng tôi sẽ nêu ra doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân, đồng thời lý giải tại sao lại như vậy, cụ thể:
Doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân
Theo Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015, một tổ chức doanh nghiệp được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan. Tức là, tổ chức này phải được thành lập theo quy định pháp luật, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận.
- Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này. Theo đó pháp nhân phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có cơ quan điều hành, bộ phận chuyên môn nhằm đảm bảo cho hoạt động của tổ chức, tạo ra tính thống nhất trong hệ thống.
- Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Điều này có nghĩa là tổ chức đó phải tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình và trong giới hạn tài sản đó.
- Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Như vậy, căn cứ theo các điều kiện nêu trên, hiện nay có 03 loại hình doanh nghiệp chính cơ tư cách pháp nhân bao gồm Công ty hợp danh, Công ty cổ phần và Công ty trách nhiệm hữu hạn. Trong khi đó, còn có một loại hình doanh nghiệp khác khá phổ biến nhưng chưa được công nhận là pháp nhân đó chính là doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, ở phần tiếp theo, chúng tôi sẽ đưa ra giải thích về vấn đề này.
Tại sao doanh nghiệp tư nhân lại không có tư cách pháp nhân?
Doanh nghiệp tư nhân là một tổ chức không có tư cách pháp nhân bởi các lý do cụ thể như sau:
- Về tính độc lập tài sản: Theo Điều 81 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản của pháp nhân bao gồm vốn góp của chủ sở hữu, thành viên của pháp nhân,… Tuy nhiên, vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân lại do chính chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Do đó, trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư kinh doanh của mình tùy thuộc vào tình hình công ty. Đồng thời, sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.
- Về tính độc lập trong các quan hệ pháp luật: Trong quan hệ tố tụng, doanh nghiệp tư nhân sẽ không được nhân danh mình để tham gia với tư cách độc lập. Tư cách tham gia lúc này sẽ là chủ doanh nghiệp tư nhân căn cứ theo khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020.
Muốn có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân phải làm gì?
Tư cách pháp nhân đóng vai trò khá quan trọng trong thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh bởi khi đó, doanh nghiệp có thể hoạt động kinh tế một cách độc lập. Do đó, khi muốn có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân cần phải chuyển đổi loại hình.
Việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp trong trường hợp này sẽ căn cứ theo quy định tại Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, doanh nghiệp có thể chuyển đổi thành Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty Cổ phần, Công ty hợp danh. Tuy nhiên, để chuyển đổi được, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện đầy đủ tại khoản 1 Điều 27 của Luật này. Đồng thời, cần phải có những tiêu chí sau:
- Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
- Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
Nếu muốn chuyển đổi thành Công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân cần chuẩn bị hồ sơ gì?
Công ty cổ phần là một loại hình doanh nghiệp phổ biến được nhiều người lựa chọn bởi nhiều ưu điểm, đặc biệt là hạn chế khả năng rủi ro, huy động được nhiều nguồn vốn góp. Vậy nên, nếu muốn chuyển đổi thành Công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân cần chuẩn bị các hồ sơ như sau:
- Điều lệ công ty cổ phần.
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Danh sách cổ đông sáng lập.
- Hợp đồng chuyển nhượng vốn góp, văn bản ủy quyền (nếu có).
- Hồ sơ kê khai thuế thu nhập cá nhân tại Cơ quan thuế.
- Bản sao giấy phép kinh doanh.
- Văn bản thể hiện chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết chịu trách nhiệm thanh toán đối với tất cả khoản nợ khi đến hạn.
- Văn bản cam kết của chủ doanh nghiệp tư nhân với các thành viên góp vốn về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
- Bản sao công chứng CMND/CCCD/Hộ chiếu của chủ doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền và người đại diện pháp luật.