Thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên năm 2022
Mục lục
Hình thức công ty TNHH một thành viên là loại hình doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư lựa chọn bởi quy mô doanh nghiệp nhỏ, số vốn bỏ ra tương đối ít và việc chịu trách nhiệm hữu hạn về số vốn góp. Công ty TNHH một thành viên vì vậy có nhiều ưu việt so với loại hình công ty tư nhân và hộ kinh doanh. Bài viết hôm nay chúng tôi cung cấp cho bạn đọc thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên theo quy định của pháp luật hiện hành năm 2022.
1. Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty TNHH một thành viên
Thành phần hồ sơ, bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Số lượng bộ hồ sơ: 1 bộ.
2. Nộp hồ sơ
Cách thức thực hiện:
Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ theo những cách sau đây:
- Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư trực thuộc Tỉnh/Thành phố sở tại;
- Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
- Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn).
Trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp
- Trường hợp chủ doanh nghiệp ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, thì kèm theo hồ sơ phải có văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền. Văn bản ủy quyền này không bắt buộc phải công chứng, chứng thực;
- Trường hợp ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, kèm theo hồ sơ phải có bản sao hợp đồng cung cấp dịch vụ với tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân người được giới thiệu.
3. Nhận kết quả
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp.
Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
Nếu hồ sơ hợp lệ, người thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp phải đóng lệ phí theo quy định của pháp luật.
Việc nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Nếu bạn không có thời gian để thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp bạn cũng có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh để tiết kiệm được thời gian và có sự hỗ trợ về pháp lý trong suốt quá trình thành lập doanh nghiệp.