03 điều doanh nghiệp mới thành lập không thể bỏ qua
Mục lục
Doanh nghiệp mới thành lập không đồng nghĩa với việc có thể lập tức đi vào hoạt động. Bạn cần lưu ý thực hiện đầy đủ và chính xác các thủ tục, quy định pháp lý phù hợp với loại hình hoạt động, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp để xây dựng nền tảng pháp lý ổn định. Thông qua nền tảng này, các doanh nghiệp non trẻ chắc chắn sẽ có thể an tâm tập trung phát triển hoạt động kinh doanh của mình.
Công bố thành lập doanh nghiệp mới thành lập
Sau khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp mới thành lập cần thực hiện thủ tục thông báo, công bố doanh nghiệp. Theo hướng dẫn tại Điều 32 Luật Doanh nghiệp 2020:
“1. Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật. Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây:
a) Ngành, nghề kinh doanh;
b) Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có).”
Nộp thuế môn bài cho doanh nghiệp mới thành lập
Thuế là vấn đề hết sức quan trọng mà mỗi doanh nghiệp cần thực hiện chính xác nhất, để doanh nghiệp có thể hoạt động và phát triển. Việc nộp thuế môn bài được tính khoán dựa trên số vốn điều lệ mà doanh nghiệp đã đăng ký. Cụ thể mức thuế được quy định như sau:
- Vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm
- Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm
Trường hợp doanh nghiệp thành lập 06 tháng cuối năm thì sẽ nộp thuế môn bài cho nửa năm. Cần lưu ý, trường hợp doanh nghiệp có mở Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh cũng cần nộp thuế môn bài 1.000.000 đồng/năm cho mỗi đơn vị.
Thực hiện góp vốn thành lập doanh nghiệp mới thành lập đúng hạn
Góp vốn thành lập doanh nghiệp cần được thực hiện theo đúng thời gian mà pháp luật đã quy định cho từng loại hình doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân
Doanh nghiệp tư nhân do cá nhân làm chủ. Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp cần đảm bảo chính xác tổng vốn đầu tư. Ngoài ra, toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Công ty hợp danh
Theo quy định tại Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2020, việc góp vốn của công ty hợp danh cần đảm bảo:
- Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.
- Trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.
Công ty TNHH một thành viên
Khoản 2 Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định: “Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.”
Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Tương tự như công ty TNHH một thành viên, thời hạn góp vốn với công ty TNHH hai thành viên trở lên là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh. Ngoài ra, thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.
Công ty cổ phần
Vốn của công ty cổ phần được chia thành các phần bằng nhau. Các cổ đông công ty cổ phần thực hiện góp vốn thông qua việc thanh toán cổ phần đã đăng ký. Theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020:
“Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.”