Xe không đăng ký kinh doanh bị phạt bao nhiêu?
Mục lục
Xe không đăng ký kinh doanh bị phạt bao nhiêu? Đây là câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm hiện nay, đặc biệt là đối với chủ doanh nghiệp. Trên thực tế, có rất nhiều người lấy xe ô tô gia đình để hoạt động kinh doanh nhưng lại không tiến hành đăng ký kinh doanh. Vậy đối với hành vi này có bị xử phạt hay không? Mức phạt cụ thể là bao nhiêu? Tìm hiểu vấn đề này qua bài viết của Phan Law Vietnam.
1. Điều kiện để được kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Khoản 1, Điều 67 thuộc Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nếu có kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì phải đáp ứng những điều kiện dưới đây:
- Thực hiện đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm được chất lượng, số lượng và niên hạn sử dụng của phương tiện phù hợp với hình thức kinh doanh. Với những phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì phải gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định của chính phủ.
- Bảo đảm được số lượng nhân viên và lái xe phù hợp với phương án kinh doanh và phải có đầy đủ hợp đồng lao động. Đối với nhân viên lái xe phải trải qua kỳ tập huấn nghiệp vụ.
- Đối với người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải của doanh nghiệp thì phải có trình độ chuyên môn về vận tải.
- Có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và phải bảo đảm trật tự, an toàn, trang bị đầy đủ thiết bị phòng chống cháy nổ.
2. Các hình thức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Căn cứ Điều 66 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô bao gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hoá.
2.1. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô
Đây là hình thức vận chuyển người từ một điểm đến khác bằng xe ô tô. Có thể là vận chuyển công cộng hoặc vận chuyển cá nhân thông qua dịch vụ taxi, xe bus, xe du lịch…
a) Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có xác định bến đi, bến đến với lịch trình, hành trình nhất định;
b) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định có các điểm dừng đón, trả khách và xe chạy theo biểu đồ vận hành với cự ly, phạm vi hoạt động nhất định;
c) Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền;
d) Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được thực hiện theo hợp đồng vận tải;
đ) Kinh doanh vận tải khách du lịch theo tuyến, chương trình và địa điểm du lịch
Lưu ý: Với hình thức kinh doanh vận tải du lịch thì đây là hình thức cung cấp dịch vụ vận chuyển khách du lịch trong nước hoặc quốc tế bằng xe ô tô. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này thường cung cấp các tour du lịch, dịch vụ vận chuyển đến các điểm tham quan, khu vực du lịch.
2.2. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô
Hình thức này liên quan đến vận chuyển các loại hàng hoá từ nơi sản xuất hoặc khi hàng đến nơi tiêu dùng hoặc các điểm trung gian. Điều này có thể bao gồm vận chuyển hàng hoá thông quan dịch vụ vận tải chung, dịch vụ chuyển phát nhanh hoặc vận tải hàng hoá cho doanh nghiệp. Gồm các hình thức hình thức cung cấp dịch vụ vận tải đặc biệt như vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, vận chuyển hàng nguy hiểm, container….
a) Kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường;
b) Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải;
c) Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng;
d) Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm.
3. Xe không đăng ký kinh doanh bị phạt bao nhiêu?
Khoản 7, Điều 28 thuộc Nghị định 100/2019/NĐ – CP quy định rõ về vận tải đường bộ, dịch vụ, hỗ trợ vận tải đường bộ, đối với cá nhân sẽ bị phạt từ 7 – 10 triệu đồng, đối với tổ chức kinh doanh vận tải sẽ sẽ bị xử phạt từ 14 – 20 triệu đồng nếu thực hiện một trong các hành vi vi phạm dưới đây:
- Xe không đăng ký kinh doanh.
- Thực hiện không đúng hình thức kinh doanh đã đăng ký trong giấy phép kinh doanh vận tải.
Như vậy, xe không đăng ký kinh doanh sẽ bị phạt tối đa là 20 triệu đồng.
4. Thủ tục đăng kiểm ô tô mới nhất năm 2023
Quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải về việc quản lý và vận hành vận tải đảm bảo an toàn giao thông nêu rõ đăng kiểm xe ô tô là việc làm bắt buộc nếu một chiếc xe ô tô muốn lưu thông trên đường.
Với xe con không kinh doanh vận tải, chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 30 tháng, sau đó cứ đều đặn 18 tháng một lần. Tới khi chạm mức 7 năm kể từ ngày sản xuất, chu kỳ khám sẽ rút ngắn còn 12 tháng. Nếu hơn 12 năm kể từ ngày sản xuất, chu kỳ khám còn 6 tháng. Theo đó, quy trình đăng kiểm xe ô tô sẽ qua các bước như sau:
- Nộp hồ sơ: Hồ sơ bao gồm đăng ký xe, đăng kiểm cũ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự (có thể mua bảo hiểm tại quầy), viết tờ khai và đóng phí gồm phí kiểm định xe cơ giới và lệ phí cấp chứng nhận. Với xe con, phí kiểm định là 240.000 đồng và lệ phí cấp chứng nhận 50.000 đồng.
- Chờ kiểm tra xe: Trường hợp xe có vấn đề không đạt yêu cầu, nhân viên đăng kiểm sẽ đọc biển số để lái xe mang đi sửa rồi quay lại sau. Vì vậy, nên kiểm tra bảo dưỡng xe trước khi đi đăng kiểm. Nếu không có vấn đề gì, thời gian khám chỉ khoảng 5-10 phút.
- Đóng phí bảo trì đường bộ: Nếu xe đáp ứng tiêu chuẩn đăng kiểm, nhân viên đăng kiểm theo thứ tự sẽ đọc biển số xe để lái xe đóng phí bảo trì đường bộ.
- Dán tem đăng kiểm mới: Khi đã hoàn tất các thủ tục trên, tài xế ra xe chờ dán tem đăng kiểm mới, nhận hồ sơ và ra về.
Xem thêm: Giấy phép đăng ký kinh doanh
Xe không đăng ký kinh doanh bị phạt không đã được Phan Law Vietnam trả lời cụ thể. Hy vọng, bạn đọc sẽ nắm vững những kiến thức trên để tránh rơi vào những tình huống khó xử.