Vốn tối thiểu để thành lập công ty TNHH
Mục lục
Bạn có ý tưởng thành lập doanh nghiệp, bạn muốn thành lập công ty TNHH nhưng không biết số vốn tối thiểu để thành lập công ty TNHH là bao nhiêu? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây để đưa ra quyết định phù hợp nhất.
1. Những loại vốn cần quan tâm để thành lập công ty
Khi thành lập công ty chúng ta cần quan tâm đến 3 loại vốn là vốn điều lệ, vốn pháp định và vốn ký quỹ
Vốn điều lệ của công ty do doanh nghiệp tự đăng ký mà không bị pháp luật quy định. Theo quy định của pháp luật thì “Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty.”
Tức mức vốn điều lệ công ty TNHH là mức vốn mà các thành viên sáng lập cam kết góp tại thời điểm đăng ký thành lập công ty, và được đăng ký tại Sở kế hoạch và Đầu tư theo quy mô công ty.
Đối với loại vốn pháp định nó sẽ áp dụng trong trường hợp những ngành nghề pháp luật quy định yêu cầu vốn pháp định. Nếu không đáp ứng được số vốn pháp định thì sẽ không được phép đăng ký kinh doanh ngành nghề được quy định.
Tương tự như vốn pháp định, vốn ký quỹ cũng chỉ áp dụng trong trường hợp pháp luật có quy định về việc ký quỹ. Việc ký quỹ được thực hiện tại Ngân hàng trong suốt thời gian công ty tham gia hoạt động trong nền kinh tế.
2. Vốn tối thiểu để thành lập công ty TNHH
Pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể mức vốn tối thiểu bao nhiêu để thành lập công ty TNHH (trừ trường hợp yêu cầu vốn pháp định, vốn ký quỹ).
Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu là bao nhiêu, bởi mức vốn điều lệ phụ thuộc vào khả năng tài chính của từng thành viên.
Vốn điều lệ chỉ ảnh hưởng đến thuế môn bài mà doanh nghiệp phải đóng hằng năm mà thôi. Cụ thể như sau:
- Với vốn điều lệ từ 10 tỷ trở xuống mức thuế môn bài là 2.000.000 đồng/ năm;
- Vốn điều lệ trên 10 tỷ mức thuế môn bài là 3.000.000 đồng/ năm.
Tuy nhiên khi mức vốn điều lệ quá thấp thì đồng nghĩa với việc trách nhiệm của các thành viên cũng thấp chỉ tương đương phần vốn góp trong vốn điều lệ. Vì vậy sẽ không tạo được niềm tin cho khách hàng khi tiến hành giao dịch với doanh nghiệp.
Do đó, vốn Điều lệ là loại vốn không có quy định mức tối thiểu cũng như tối đa, doanh nghiệp tự chủ trong việc góp vốn pháp định để cân bằng những lợi ích khác nhau. Số vốn điều lệ đăng ký với cơ quan nhà nước chỉ để tham khảo và doanh nghiệp không cần chứng minh vốn điều lệ có thật hay không.
Đối với những ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, vốn ký quỹ, doanh nghiệp cần chuẩn bị đủ số vốn yêu cầu để có thể thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp công ty TNHH thành công.
Những ngành nghề kinh doanh cần vốn pháp định quy định rõ trong các văn bản chuyên ngành liên quan, ví dụ như:
– Kinh doanh chứng khoán: Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng Việt Nam; Tự doanh chứng khoán: 100 tỷ đồng Việt Nam; Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỷ đồng Việt Nam; Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng Việt Nam. Vốn pháp định của công ty quản lý quỹ tại Việt Nam, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam là 25 tỷ đồng Việt Nam.
– Kinh doanh dịch vụ kiểm toán: Vốn pháp định đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn là 3 (ba) tỷ đồng Việt Nam; từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, vốn pháp định là 5 (năm) tỷ đồng Việt Nam Quy định tại Điều 5 Nghị Định 17/2012/NĐ-CP.
– Kinh doanh bảo hiểm: Quy định tại Điều 10 Nghị định 73/2016/NĐ-CP
- Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ: Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này) và bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam; Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh: 350 tỷ đồng Việt Nam; Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh: 400 tỷ đồng Việt Nam;
- Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ: Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe: 600 tỷ đồng Việt Nam; Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí: 800 tỷ đồng Việt Nam; Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại điểm a khoản này, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí: 1.000 tỷ đồng Việt Nam;
- Mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe: 300 tỷ đồng Việt Nam.
– Kinh doanh bất động sản: Điều 03 Nghị định 76/2015/NĐ-CP: có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng;
– Kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức: Duy trì tài sản tối thiểu tương đương 80.000 SDR hoặc có bảo lãnh tương đương hoặc có phương án tài chính thay thế theo quy định của pháp luật, quy định tại Điều 1, Nghị định 144/2018/NĐ-CP….
Những ngành nghề kinh doanh cần phải ký quỹ như:
– Kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số Ký quỹ không dưới 05 (năm) tỷ đồng Điều 13, Nghị định 51/2018/NĐ-CP.
– Kinh doanh dịch vụ lữ hành: Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP
- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng;
- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế: Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 250.000.000 (hai trăm năm mươi triệu) đồng; Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng; Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng.