Viên chức có được thành lập doanh nghiệp không?
Mục lục
Để thành lập doanh nghiệp, bên cạnh các điều kiện về ngành nghề kinh doanh, hồ sơ hợp lệ, tên và trụ sở công ty,… cần phải đáp ứng về chủ thể có quyền thành lập. Điều này bị ảnh hưởng từ một số lý do nhất định đã được ghi nhận tại các văn bản pháp luật. Như vậy, viên chức có được thành lập doanh nghiệp không?
Viên chức là đối tượng nào?
Theo Điều 2 Luật Viên chức 2010 quy định như sau “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”. Như vậy, viên chức là đối tượng làm công ăn lương, được tuyển dụng trong Nhà nước và hưởng mức lương cơ sở theo quy định pháp luật.
Viên chức được phân thành mấy loại?
Tùy theo tiêu chí riêng biệt, pháp luật sẽ phân loại viên chức theo các nhóm khác nhau. Căn cứ trên chức trách, nhiệm vụ tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 115/2020/NĐ – CP, viên chức được chia thành 02 nhóm:
- Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý.
- Viên chức không giữ chức vụ quản lý là người chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Nếu căn cứ theo mức độ phức tạp của chức danh nghề nghiệp, quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 115/2020/NĐ – CP, viên chức sẽ được phân loại như sau:
- Chức danh nghề nghiệp hạng I.
- Chức danh nghề nghiệp hạng II.
- Chức danh nghề nghiệp hạng III.
- Chức danh nghề nghiệp hạng IV.
- Chức danh nghề nghiệp hạng V.
Viên chức có được thành lập doanh nghiệp không?
Theo khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, có quy định đến các đối tượng không được thành lập công ty, trong đó có viên chức, cụ thể như sau:
“Điều 17. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.”
Tuy nhiên, viên chức vẫn được hoạt động và kinh doanh làm việc ngoài thời gian, được quy định tại Điều 14 Luật viên chức 2010 như sau:
“1. Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác”.
Như vậy, viên chức sẽ không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu muốn thực hiện các hoạt động kinh doanh ngoài giờ làm việc, viên chức có thể tham gia góp vốn vào các công ty, doanh nghiệp như công ty TNHH, công ty cổ phần,…
Tại sao viên chức lại không được thành lập doanh nghiệp?
Viên chức là những người có quyền hạn trong cơ quan Nhà nước, nắm giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng. Do đó, khi quy định về chủ thể có quyền thành lập doanh nghiệp, pháp luật lại cấm những đối tượng là công chức, viên chức. Điều này nhằm tránh tình trạng tham nhũng, lạm quyền có thể xảy ra, căn cứ theo điểm b và d khoản 2 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng 2020.
Trên thực tế, nếu không có những quy định này, rất nhiều khả năng trong hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến tình trạng đan xen quyền lực, nhiệm vụ cá nhân của viên chức vào Cơ quan Nhà nước. Từ đó, dẫn đến hệ quả về vấn đề tư lợi cá nhân, trách nhiệm giảm sút, hư hoại bộ máy và có thể vi phạm pháp luật nghiêm trọng đối với các hành vi tham nhũng,…