Thủ tục và điều kiện đăng ký giấy phép kinh doanh spa cần những gì?
Mục lục
Hiện nay, nhu cầu làm đẹp trở thành điều cần thiết trong cuộc sống. Điều này khiến các đơn vị cung cấp dịch vụ làm đẹp thu về nguồn lợi nhuận rất lớn, trong đó có spa. Vậy thủ tục và điều kiện đăng ký giấy phép kinh doanh spa cần những gì?
1. Kinh doanh spa bao gồm những dịch vụ cơ bản nào?
Các đơn vị cung cấp dịch vụ làm đẹp cần đi kèm những điều kiện và phải có giấy phép hoạt động kinh doanh. Trong đó, dịch vụ spa rất phổ biến và thông dụng tại Việt Nam. Đây là dịch vụ tổng hợp các hoạt động chăm sóc sắc đẹp. Cụ thể, kinh doanh spa bao gồm các dịch vụ cơ bản sau:
- Chăm sóc da;
- Massage, bấm huyệt;
- Phun xăm thẩm mỹ;
- Điều trị thẩm mỹ công nghệ cao, hiện đại;
- Spa đông y,…
2. Đăng ký giấy phép kinh doanh spa cần những gì?
2.1. Chứng chỉ hành nghề khi mở kinh doanh spa
Theo Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP:
“Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.”
Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể, xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Vì vậy, việc mở kinh doanh spa không sử dụng các chất, thuốc, thiết bị can thiệp vào cơ thể người thì chỉ cần có chứng chỉ hành nghề.
Xem thêm: Dịch vụ thay đổi đăng ký kinh doanh mới nhất
2.2. Điều kiện về nhân viên, chuyên viên phục vụ
Đối với cơ sở spa đăng ký kinh doanh trong đó có dịch vụ massage phải đảm bảo điều kiện về nhân sự (Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP).
- Đồng phục của nhân viên massage phải gọn gàng, lịch sự, có thẻ nhân viên ghi rõ tên cơ sở, tên nhân viên và ảnh thẻ nhân viên.
- Người xoa bóp, chuyên gia thực hiện các động tác vật lý trị liệu phải là kỹ thuật viên, bác sĩ, thầy thuốc thuộc lĩnh vực vật lý trị liệu, y học cổ truyền, phục hồi chức năng hoặc phải được đào tạo và có các chứng chỉ liên quan đến chuyên ngành trên.
- Phải khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng một lần và có giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế cấp huyện.
2.3. Điều kiện về chủ cơ sở kinh doanh
Đối với hộ kinh doanh: Phải có chứng chỉ hành nghề spa.
Đối với doanh nghiệp: Khi đăng ký kinh doanh sẽ không cần có giấy chứng nhận nhưng khi xin cấp giấy phép con, chủ doanh nghiệp sẽ phải xuất trình các tài liệu chứng minh chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực như: Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học cổ truyền… (theo điểm q khoản 3, Điều 38 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP).
3. Thủ tục, hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh spa cần những gì?
Để đăng ký giấy phép kinh doanh spa chủ doanh nghiệp cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Xin giấy phép đăng ký hoạt động
– Cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Đơn đăng ký kinh doanh;
- Bản sao công chứng CMND/CCCD/Hộ chiếu của chủ doanh nghiệp;
- Biên bản họp tổ về việc thành lập doanh nghiệp cá thể (nếu hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập).
– Nơi nhận hồ sơ: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, nơi đặt địa điểm kinh doanh.
– Thời gian trả hồ sơ: Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
Bước 2: Xin giấy phép kinh doanh spa hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị cấp giấy phép kinh doanh hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác;
- 02 bản sao có công chứng Giấy phép kinh doanh;
- 02 bản sao có công chứng hợp đồng thuê mặt bằng, địa điểm;
- Hồ sơ chứng minh đủ điều kiện kinh doanh (bằng cấp, chứng chỉ, cơ sở vật chất, phòng cháy chữa cháy…);
– Thời gian trả hồ sơ: Trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.