Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân diễn ra thế nào?
Mục lục
Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Đối với loại hình doanh nghiệp này, chủ sở hữu sẽ có quyền lợi và nghĩa vụ nổi bật theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để được thừa nhận và bảo hộ trên danh nghĩa pháp lý, việc đầu tiên chủ doanh nghiệp cần đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân
Theo Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020, để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân cần tuân thủ các điều kiện sau đây:
- Không đăng ký đầu tư kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật cấm quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020.
- Tên của doanh nghiệp tư nhân phải đặt đúng theo quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, doanh nghiệp phải có hai thành tố, bao gồm “doanh nghiệp tư nhân” và “tên riêng”. Ngoài ra, tên doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về đặt tên tại các Điều 38, 39, 41.
- Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ. Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đầy đủ giấy tờ theo quy định của Luật này và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật theo khoản 20 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, theo Điều 188 và khoản 1 Điều 189, điều kiện mở doanh nghiệp tư nhân bao gồm:
- Doanh nghiệp tư nhân sẽ tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán.
- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.
- Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp và công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.
- Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân
Để thành lập doanh nghiệp tư nhân một cách hợp pháp, chủ sở hữu cần tiến hành theo trình tự, thủ tục như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Trước khi thực hiện bước thứ nhất, chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị một bộ hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân theo quy định tại Điều 21 Nghị định 01/2021/ NĐ – CP , tài liệu cụ thể gồm có:
“Điều 21. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
2. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân”.
Sau khi hoàn tất việc chuẩn bị hồ sơ, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ bằng một trong hai phương thức:
- Nộp trực tiếp tại Bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
- Nộp trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia.
Về lệ phí nộp hồ sơ sẽ là 50.000 đồng/ lần nếu nộp trực tiếp. Đối với trường hợp đăng ký qua mạng điện tử, lệ phí được miễn, căn cứ theo Thông tư 47/2019/TT – BTC.
Bước 2: Xem xét và giải quyết hồ sơ
Sau khi hoàn thành việc nộp hồ sơ đăng ký, doanh nghiệp sẽ nhận được Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành xem xét giải quyết và chuyển cho Bộ phận một cửa để trả kết quả. Nếu quá hạn mà không nhận được bất kỳ thông báo đến từ Cơ quan có thẩm quyền, thì người thành lập doanh nghiệp có quyền khiếu nại theo Điều 33 Nghị định 02/2021/NĐ – CP.
Bước 3: Nhận kết quả giải quyết
Hồ sơ doanh nghiệp sau khi được xem xét và giải quyết, nếu hợp lệ và đầy đủ giấy tờ theo quy định sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ và còn nhiều thiếu sót, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo bằng văn bản trực tiếp hoặc qua mạng điện tử cho doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.