Thủ tục thành lập doanh nghiệp mới thực hiện thế nào?
Mục lục
Thành lập công ty được coi là cơ sở xác lập uy tín của doanh nghiệp trên thị trường kinh doanh. Đồng thời, đây cũng chính là căn cứ để được Nhà nước và pháp luật bảo vệ, tránh những tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, với bản chất của một thủ tục phức tạp, việc đăng ký mở công ty không phải là điều đơn giản. Vì vậy, bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về thủ tục thành lập doanh nghiệp mới.
Điều kiện để thành lập doanh nghiệp
Thành lập doanh nghiệp là một thủ tục tương đối phức tạp. Do đó, để thực hiện công việc này, cần phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Độ tuổi: Cá nhân, tổ chức từ đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự, nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Về ngành, nghề đăng ký kinh doanh: Doanh nghiệp được tự do kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Cụ thể về các ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh được quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020.
- Về tên của doanh nghiệp: Tên của doanh nghiệp dự kiến thành lập phải được viết bằng Tiếng Việt, gồm hai thành tố theo thứ tự là loại hình và tên riêng của doanh nghiệp. Đồng thời, không được vi phạm điều cấm trong cách đặt tên đã được quy định tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Về trụ sở chính của doanh nghiệp: Theo Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020, trụ sở chính của doanh nghiệp phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính, có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
- Về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ: Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đầy đủ giấy tờ theo quy định của Luật này và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật.
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp: Lệ phí doanh nghiệp có thể được nộp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc theo hình thức chuyển khoản.
Thủ tục thành lập doanh nghiệp mới được thực hiện như thế nào?
Để thực hiện thủ tục thành lập công ty mới, các cá nhân, tổ chức sẽ tiến hành theo các bước như sau:
Bước 1: Chọn loại hình công ty
Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành, có 05 loại hình doanh nghiệp cụ thể bao gồm:
- Công ty TNHH 2 thành viên trở lên.
- Công ty TNHH một thành viên.
- Công ty cổ phần.
- Công ty hợp danh.
- Doanh nghiệp tư nhân.
Theo đó, tùy vào nhu cầu cũng như định hướng phát triển của doanh nghiệp mình, các cá nhân, tổ chức sẽ lựa chọn một trong các loại hình nêu để thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước tiên nên tìm hiểu về ưu, nhược điểm của loại hình công ty đó để đảm bảo hiệu quả hơn cho quá trình thực hiện mục tiêu của mình.
Sau khi lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp, các cá nhân, tổ chức sẽ tiến hành dự kiến việc xác định tên, nơi đặt trụ sở, ngành, nghề kinh doanh và vốn điều lệ. Về điều kiện đặt tên, trụ sở cũng như ngành, nghề đã được nêu ở phần trên.
Đối với vốn điều lệ thì hiện nay pháp luật chưa quy định mức tối thiểu số vốn phải có khi thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình đăng ký, các chủ thể vẫn phải tiến hành khai báo rõ ràng với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký kinh doanh
Hồ sơ đăng ký thành lập công ty sẽ dựa vào loại hình mà các chủ thể lựa chọn. Theo đó, các loại tài liệu doanh nghiệp cần chuẩn bị đã được quy định cụ thể tại các Điều 19, 20, 21, 22 Luật Doanh nghiệp 2020.
Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, giấy tờ cần thiết, doanh nghiệp sẽ thực hiện việc nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh. Cụ thể đó là Phòng Đăng ký kinh doanh trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của công ty. Theo đó, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ thông qua các hình thức sau đây:
- Nộp trực tiếp.
- Nộp qua đường bưu điện.
- Nộp trực tuyến qua mạng điện tử.
Bên cạnh việc nộp hồ sơ, người thực hiện việc thành lập công ty cần phải nộp lệ phí đăng ký kinh doanh. Theo quy định Nghị định 01/2021/NĐ – CP, phí, lệ phí đăng ký kinh doanh có thể được nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Mức lệ phí là 50.000 đồng/lần đối với lệ phí đăng ký kinh doanh.
Bước 4: Nhận kết quả
Theo khoản 5 Điều 26 Luật Doanh nghiệp 2020, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, đáp ứng đủ yêu cầu của pháp luật doanh nghiệp về ngành, nghề, tên, hồ sơ và đã nộp đủ phí, lệ phí thì sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong trường hợp hồ sơ còn nhiều thiếu sót, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ trả hồ sơ và yêu cầu bổ sung, sửa đổi.
Ghi ngành, nghề trong hồ sơ đăng ký kinh doanh như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 01/2021/NĐ – CP, tổ chức, cá nhân phải lựa chọn ngành, nghề kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Do đó, trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp sẽ phải ghi mã ngành, nghề cấp bốn. Cụ thể về mã ngành, nghề này đã được quy định tại Thông tư 26/2020/TT – BLĐTBXH. Doanh nghiệp có thể thực hiện việc tra cứu và ghi chép theo đúng quy định.