Thủ tục thành lập công ty nước ngoài tại Việt Nam như thế nào?
Mục lục
Trong nền kinh tế hội nhập và phát triển như hiện nay, Việt Nam đã thành công khi tham gia, đàm phán các hiệp định thương mại. Tiêu biểu có thể kể đến Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 2000, Hiệp định hợp tác thương mại kinh tế kỹ thuật Việt Nam Thái Lan 1978,… Do đó nhiều nhà đầu tư nước ngoài theo đó đã có cơ hội thành lập và phát triển công ty. Vậy thủ tục thành lập công ty nước ngoài tại Việt Nam như thế nào?
Điều kiện thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 và Biểu cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO, để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các chủ thể cần đáp ứng điều kiện sau:
- Điều kiện về chủ thể: Người nước ngoài khi thành lập công ty tại Việt Nam phải từ đủ 18 tuổi trở lên, đủ năng lực hành vi dân sự, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành án phạt. Đồng thời, cá nhân, tổ chức này có quốc tịch thuộc thành viên trong WTO.
- Điều kiện để tiếp cận thị trường: Không được kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật cấm căn cứ theo Điều 6 Luật Đầu từ 2020. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải tuân thủ cam kết 318/WTO/CK Biểu mẫu cam kết gia nhập WTO của Việt Nam trong phạm vi hoạt động, dịch vụ kinh doanh.
Hồ sơ chuẩn bị thành lập công ty nước ngoài tại Việt Nam
Thành lập công ty nước ngoài ở Việt Nam là một trong những thủ tục tương đối phức tạp. Không chỉ đáp ứng các điều kiện của nước sở tại, doanh nghiệp nước ngoài còn phải tuân thủ quy định biểu mẫu cam kết WTO khi Việt Nam gia nhập. Bên cạnh đó, chủ thể mở công ty phải là công dân của nước thuộc thành viên trong WTO. Điều này liên quan đến vấn đề thuế quan, nguyên tắc tối huệ quốc,…
Vì vậy, để hiệu quả hóa quá trình thành lập công ty, sau khi đã thực hiện xong bước xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư, các cá nhân, tổ chức cần phải thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp. Theo đó, hồ sơ sẽ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Bản sao Giấy chứng thực cá nhân đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, các thành viên góp vốn (Công ty TNHH) hoặc các cổ đông sáng lập (Công ty cổ phần).
- Bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc các tài liệu khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
- Danh sách thành viên đối với loại hình công ty TNHH từ 02 thành viên trở lên hoặc danh sách cổ đông đối với công ty cổ phần.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ngoài ra, tổ chức thành lập có thể chuẩn bị văn bản cử cá nhân là đại diện theo ủy quyền. Tuy nhiên, các loại tài liệu trên cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch thuật công chứng.
Thủ tục thành lập công ty nước ngoài tại Việt Nam
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên, các cá nhân, tổ chức sẽ tiến hành thủ tục thành lập công ty. Việc thực hiện sẽ dựa theo các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ thành lập công ty
Cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ đăng ký tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Điều này đã được quy định tại Điều 15 Nghị định 01/2021/NĐ – CP.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Sau khi tiếp nhận, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ xem xét đến tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu hồ sơ chưa đủ điều kiện, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo bằng văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Ngoài ra, cần lưu ý, nếu công ty hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa đến người tiêu dùng, công ty đó sẽ buộc phải tiến hành thêm thủ tục Giấy phép kinh doanh và được cấp phép thì mới hoạt động. Trong quá trình tiến hành thủ tục thành lập công ty nước ngoài, cần phải nộp đủ các khoản phí, lệ phí cơ bản như sau:
- Lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp: 50.000 đồng/ lần đối với hồ sơ nộp trực tiếp. Nếu doanh nghiệp thực hiện thủ tục qua mạng điện tử thì sẽ được miễn khoản lệ phí này căn cứ theo Thông tư 47/2019/TT – BTC.
- Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng/ lần.