Thủ tục thành lập công ty cổ phần
Mục lục
Trong Luật doanh nghiệp năm 2020 có quy định 5 loại hình doanh nghiệp, trong đó Công ty cổ phần là hình thức thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn bởi tính chất góp vốn và kêu gọi vốn của mình. Thành lập công ty cổ phần xuất phát từ tâm lý của người thành lập mong muốn doanh nghiệp lớn mạnh nhanh chóng như các công ty Đại chúng. Hãy cùng Đăng ký kinh doanh nhanh tìm hiểu thủ tục thành lập công ty cổ phần.
1. Công ty cổ phần là gì?
Theo định nghĩa tại Luật Doanh nghiệp 2020 thì Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp trong đó có sự góp vốn của ít nhất 3 cổ đông và không khống chế số lượng tối đa. Vốn điều lệ của công ty sẽ được chia làm nhiều phần có giá trị bằng nhau. Các cá nhân hoặc tổ chức khi góp vốn vào công ty sẽ đăng ký mua cổ phần và được gọi là cổ đông. Cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
Công ty cổ phần có những đặc điểm sau:
- Là loại hình doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp nhân;
- Số cổ đông: ít nhất là 3 và không khống chế số lượng tối đa;
- Cổ đông sẽ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số vốn mình đã góp;
- Được quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn;
- Cổ đông của công ty cổ phần sẽ có quyền tự do chuyển nhượng số cổ phần của mình cho người khác, trừ những trường hợp đã quy định tại Luật doanh nghiệp.
2. Thủ tục thành lập công ty cổ phần
2.1. Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty cổ phần
Thành phần hồ sơ, bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần;
- Bản sao các giấy tờ sau đây:
a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2.2. Nộp hồ sơ
– Nộp trực tiếp: Người đăng ký thành lập công ty cổ phần nộp trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư. Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp có thể được nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Lệ phí đăng ký doanh nghiệp không được hoàn trả cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp. Lệ phí được quy định theo từng địa phương do Quyết định của Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định.
Trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được hoàn trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
– Nộp online: Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp có thể được nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc chuyển vào tài khoản của Phòng Đăng ký kinh doanh hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử. Trường hợp doanh nghiệp không được cấp đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ được hoàn trả phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp.
2.3. Nhận kết quả
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.