Trình tự thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như thế nào?
Mục lục
Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là việc Phòng đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi theo trình tự luật định. Tùy theo nguyên nhân thu hồi và loại hình doanh nghiệp mà trình tự này sẽ khác nhau. Việc thu hồi này đồng nghĩa rằng doanh nghiệp sẽ mất đi tư cách pháp lý của mình.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là gì?
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản ghi nhận các thông tin về đăng ký doanh nghiệp, do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp. Giấy này có thể thể hiện ở hình thức văn bản giấy hoặc bản điện tử.
Các đặc điểm của giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:
- Là văn bản chứng minh sự thành lập và tồn tại hợp pháp của doanh nghiệp, ghi nhận năng lực pháp lý của doanh nghiệp đó;
- Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Đây là văn bản đầu tiên và không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp ở bất kỳ loại hình nào. Khác với giấy phép kinh doanh, giấy phép kinh doanh là văn bản do cơ quan nhà nước cấp khi doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định.
Các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Theo quy định tại Điều 212 Luật doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:
- Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;
- Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này thành lập;
- Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;
- Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
- Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.
Trình tự thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như thế nào?
Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định tại Điều 75 Nghị định 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết luật doanh nghiệp. Theo đó, tùy theo trường hợp thu hồi mà thủ tục sẽ khác nhau.
★ Trường hợp nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo
Trường hợp nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp là giả mạo, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp đồng thời ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
★ Trường hợp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là giả mạo
Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp và ra quyết định hủy bỏ những thay đổi trong nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở các thông tin giả mạo và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cơ sở hồ sơ hợp lệ gần nhất trước đó.
Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp làm lại hồ sơ để được xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể gộp các nội dung thay đổi hợp pháp của các lần đăng ký, thông báo thay đổi sau đó trong một bộ hồ sơ để được cấp một lần đăng ký thay đổi mới;
Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo về hành vi kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
★ Trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký có cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp
Nhóm cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp.
+ Đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên do cá nhân là chủ sở hữu: Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký ra thông báo về hành vi vi phạm đồng thời ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
+ Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty TNHH một thành viên do tổ chức là chủ sở hữu, công ty cổ phần và công ty hợp danh: Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký ra thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp thay đổi thành viên hoặc cổ đông thuộc đối tượng không được quyền thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo. Quá thời hạn nói trên mà doanh nghiệp không đăng ký thay đổi thành viên hoặc cổ đông thì Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo về hành vi vi phạm đồng thời ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
★ Trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế.
Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở của Phòng để giải trình. Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn hẹn trong thông báo mà người được yêu cầu không đến hoặc nội dung giải trình không được chấp thuận thì Phòng Đăng ký kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
★ Trường hợp doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp
Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở của Phòng để giải trình trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại điểm d khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp. Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn hẹn trong thông báo mà người được yêu cầu không đến hoặc nội dung giải trình không được chấp thuận thì Phòng Đăng ký kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
★ Tòa án quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp Tòa án quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trên cơ sở quyết định của Tòa án trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được quyết định của Tòa án.