So sánh mẫu giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Mục lục
Hiện nay, với sự phát triển của các ngành, nghề trên thị trường, đã có rất nhiều doanh nghiệp được thành lập. Tuy nhiên, do chưa thực sự hiểu hết về các quy định pháp luật nên việc nhầm lẫn giữa mẫu giấy phép đăng ký kinh doanh và các loại giấy tờ khác, đặc biệt là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khá phổ biến. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ định nghĩa về loại giấy tờ này và đưa ra các tiêu chí phân biệt đến người đọc.
Giấy phép đăng ký kinh doanh là gì?
Giấy phép kinh doanh là loại giấy tờ mà Nhà nước cấp phép cho các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện. Thông thường, loại giấy này sẽ được cấp sau khi đã có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Vai trò của giấy phép đăng ký kinh doanh sẽ là:
- Được Nhà nước bảo vệ về các hoạt động kinh doanh đối với ngành, nghề có điều kiện.
- Thể hiện tư cách pháp nhân của doanh nghiệp, khẳng định tính hợp pháp trong hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, tạo nên sự uy tín của doanh nghiệp đó với đối tác và khách hàng.
- Được nhận ưu đãi từ Nhà nước như hỗ trợ vay vốn, khấu trừ thuế,…
- Tăng cường khả năng cạnh tranh, giữ vững vị thế trên thị trường kinh doanh.
Phân biệt mẫu giấy phép đăng ký kinh doanh với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Thông thường, khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, có rất nhiều cá nhân, tổ chức bị hiểu nhầm về hai loại giấy tờ này. Do đó, phần nội dung dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra các tiêu chí để nhận diện từng loại giấy:
Định nghĩa
Như đã nêu ở trên, giấy phép kinh doanh là loại giấy tờ được cấp phép cho doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện. Trong khi đó, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lại được định nghĩa khác. Tại khoản 15 Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2020, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là:
“Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản bằng giấy hoặc bản điện tử ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp”.
Ý nghĩa pháp lý
Về ý nghĩa pháp lý của mẫu giấy phép kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điểm khác biệt là:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được chứng nhận bởi cơ quan hành chính công Nhà nước. Từ đây sẽ xác định nghĩa vụ của Nhà nước về việc bảo hộ quyền sở hữu doanh nghiệp.
- Giấy phép đăng ký kinh doanh là sự cho phép hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, thể hiện quyền kinh doanh của công dân.
Điều kiện cấp phép
Đối với điều kiện để được cấp phép, hai loại giấy tờ này sẽ có phần khác biệt, cụ thể như sau:
- Đối với Giấy chứng nhận doanh nghiệp: Là tổng hòa những điều kiện cơ bản như ngành, nghề đăng ký kinh doanh không thuộc danh mục bị cấm, tên của doanh nghiệp được đặt đúng theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, hồ sơ đăng ký hợp lệ và phải nộp đủ lệ phí đăng ký.
- Đối với Giấy phép kinh doanh: Đây được coi là điều kiện mà doanh nghiệp phải có nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đối với mỗi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thủ tục xin cấp phép
Về thủ tục xin cấp phép, đối với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thông thường sẽ trải qua các bước như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký sẽ tùy thuộc vào loại hình mà các cá nhân, tổ chức lựa chọn, quy định tại Điều 19, 20, 21, 22 Luật Doanh nghiệp 2020.
- Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các tài liệu trong hồ sơ, doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ đến Cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Tại bước này, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành tiếp nhận hồ sơ, xem xét và đánh giá tính hợp lệ. Trong trường hợp đủ điều kiện, Cơ quan đăng ký thông báo đến người nộp hồ sơ, yêu cầu nộp phí và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, thủ tục xin cấp Giấy phép đăng ký kinh doanh cũng có phần tương đồng, chủ yếu khác ở bước cuối và chuẩn bị hồ sơ. Cụ thể như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ. Sau khi chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp sẽ nộp đến Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Bước 2: Tiếp nhận và thẩm định. Ở giai đoạn này, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra các giấy tờ tài liệu có trong hồ sơ. Nếu đã đáp ứng đủ yêu cầu, chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người được uỷ quyền sẽ được nhận Giấy phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, cần lưu ý, do tính chất của loại giấy tờ này cho nên trong thành phần hồ sơ đăng ký cần phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thời hạn tồn tại
Khi xác định về thời hạn tồn tại, giữa Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy phép đăng ký kinh doanh có điểm khác nhau như sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: Thời hạn do nhà đầu tư, chủ sở hữu doanh nghiệp quyết định nên thường không ghi vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Giấy phép đăng ký kinh doanh: Thường có thời hạn từ vài tháng đến vài năm, tùy vào ngành, nghề đăng ký. Việc cho phép ghi sẽ chịu sự tác động từ Cơ quan quản lý Nhà nước.