Quy trình thành lập công ty mới nhất
Mục lục
Thành lập công ty là bước đầu tiên các doanh nhân muốn khởi sự cho kế hoạch kinh doanh của mình. Nhưng không phải ai cũng nắm rõ quy trình thành lập công ty gồm các bước như thế nào? Bài viết hôm nay sẽ hướng dẫn Quý khách chi tiết các bước thành lập công ty mới nhất.
Nên thành lập công ty gì?
Có 2 loại hình công ty phổ biến nhất mà các doanh nghiệp hay chọn là công ty TNHH và công ty cổ phần. Công ty cổ phần giúp doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín khi có thể phát hành cổ phần huy động vốn tham gia của các nhà đầu tư, thủ tục tương tự như công ty TNHH. Hạn chế thành lập doanh nghiệp tư nhân vì tư nhân thì khi phá sản phải dùng toàn bộ tài sản để chịu trách nhiệm trước các khoảng nợ, công ty TNHH và cổ phần thì chỉ chịu trách nhiệm trên phần vốn cổ phần góp vào.
Những lưu ý khi thành lập công ty
Công bố nội dung đăng ký kinh doanh
Sau khi thành lập doanh nghiệp hoặc thay đổi đăng ký kinh doanh, các doanh nghiệp phải công bố nội dung đăng ký kinh doanh của mình trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Thời hạn tối đa để thực hiện là 30 ngày kể từ khi được cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không thực hiện theo luật sẽ bị phạt sẽ từ 1-2 triệu đồng.
Thực hiện việc đăng ký mẫu dấu và khắc dấu
Khi thực hiện đăng ký thành lập công ty bắt buộc phải thực hiện đăng ký mẫu dấu, khắc dấu tại Công an tỉnh hay thành phố trực thuộc trung ương. Lưu ý, con dấu sẽ chỉ được sử dụng sau khi đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu. Nếu sử dụng con dấu mà chưa có giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng và đồng thời sẽ bị thu hồi con dấu.
Đăng ký thuế và đóng thuế
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải liên hệ với cơ quan thuế để đăng ký thuế. Công ty sẽ cần đóng một số loại thuế cơ bản như:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Thuế giá trị gia tăng;
- Thuế môn bài.
Thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo cam kết
Tùy thuộc vào việc thành lập công ty theo loại hình nào mà việc thực hiện góp vốn sẽ khác nhau, cụ thể:
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: các thành viên và chủ sở hữu sẽ phải góp vốn đúng thời hạn và đầy đủ như cam kết.
- Đối với công ty cổ phần: thời gian góp vốn trong vòng 90 ngày từ ngày nhận được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần mà mình đã cam kết.
Nếu không góp đủ vốn hay không góp đúng thời hạn số vốn đăng ký, thành viên góp vốn, cổ đông công ty sẽ bị áp dụng mức phạt từ 5 triệu đến 20 triệu theo từng trường hợp. Riêng công ty TNHH 2 thành viên trở lên sẽ buộc phải giảm số vốn điều lệ hoặc bắt buộc góp đủ số vốn đối với các hình thức công ty khác.
Đăng ký tài khoản ngân hàng và mua chữ ký số
– Công ty cần tiến hành đăng ký tài khoản ngân hàng cho công ty để có thể thực hiện các hoạt động liên quan đến tài chính.
– Bên cạnh đó, công ty phải mua chữ ký số theo đúng quy định để có thể đóng thuế online. Sau đó, kế toán doanh nghiệp sử dụng chữ ký này để đóng thuế trực tuyến cho doanh nghiệp theo định kỳ.
Quy trình thành lập công ty
Bước 1: Hồ sơ thành lập công ty
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu quy định trong Thông tư 01/2022/TT-BKHĐT.
- Dự thảo điều lệ công ty đối với trường hợp thành lập công ty tnhh 1 thành viên, công ty tnhh 2 thành viên, công ty cổ phần, công ty hợp danh.
- Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ trong trường hợp không phải người đại diện pháp luật công ty nộp
- Danh sách thành viên (Công ty TNHH 2 thành viên trở lên) hoặc Danh sách cổ đông sáng lập (Công ty cổ phần).
- Bản sao Giấy chứng thực cá nhân như CMND, CCCD, Hộ chiếu của chủ sở hữu và của các thành viên tham gia góp vốn, các cổ đông.
- Giấy tờ khác tùy theo quy định về hình thức và điều kiện theo ngành nghề mà quý khách hàng chọn lựa.
Bước 2: Nộp hồ sơ lên cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh
- Sau khi chuẩn bị xong bộ hồ sơ, quý khách nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
- Thời gian giải quyết hồ sơ: 3 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Bước 3: Nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Sau khi hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo qua email chấp thuận và lên phòng đăng ký doanh nghiệp để nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 4: Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp
Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nội dung công bố bao gồm các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các thông tin sau đây:
- Ngành, nghề kinh doanh;
- Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có);
- Thời hạn thực hiện công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 5: Khắc dấu công ty
Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, nội dung và số lượng con dấu của doanh nghiệp nhưng nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin về tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
Bước 6: Mua chữ ký số (token)
Để tiến hành nộp báo cáo thuế, báo cáo tài chính theo đúng quy định pháp luật thì doanh nghiệp cần tiến hành mua chữ ký điện tử. Hiện nay có các chữ ký số điện tử phổ biến như ACC, Viettel, BKAV, VNPT…
Bước 7: Đăng ký tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp
Bạn có thể liên hệ với bất kỳ ngân hàng nào bạn muốn để mở tài khoản cho doanh nghiệp, cầm theo con dấu và CMND giám đốc hoặc giấy ủy quyền trong trường hợp ủy quyền.
Bước 8: Đăng ký giấy phép con cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Đăng ký cấp thêm một số giấy phép con phổ biến như: Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (cung cấp cho các doanh nghiệp trong sản xuất, buôn bán thực phẩm); Giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy (áp dụng hầu hết với mọi ngành nghề); Giấy phép kinh doanh vận tải (áp dụng với doanh nghiệp kinh doanh vận tải);… cùng các giấy phép khác trong hệ thống ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Việt Nam.