Quy định mới về đăng ký ngành nghề kinh doanh 2023
Mục lục
Quy định mới về đăng ký ngành nghề kinh doanh dưới đây sẽ cho bạn biết được ngành nghề kinh doanh nào được phép đăng ký. Từ đó giúp doanh nghiệp của bạn được hoạt động đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật.
1. Ngành nghề kinh doanh là gì?
Ngành nghề kinh doanh là lĩnh vực mà doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh. Việc đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp với lĩnh vực hoạt động của công ty vừa giúp nâng cao hiệu quả làm việc của công ty vừa là cơ sở để công ty thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình hoạt động.
Chủ doanh nghiệp có quyền tùy ý lựa chọn ngành nghề mình muốn kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chỉ được phép kinh doanh trong phạm vi những ngành nghề đã đăng ký.
2. Nội dung về ngành nghề đăng ký kinh doanh
Khoản 1 Điều 7 Luật doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp có quyền: “Tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.”
Khoản 1, 2, 3 Điều 8 Luật doanh nghiệp 2020 cũng quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ:
- Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, thay đổi đăng ký kinh doanh, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020
- Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.
Như vậy, đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định pháp luật và duy trì điều kiện đó trong quá trình hoạt động. Ngoài ra, nếu có thay đổi về ngành nghề kinh doanh thì doanh nghiệp cần phải thông báo tới cơ quan kinh doanh trong vòng 10 ngày.
3. Quy định mới về đăng ký ngành nghề kinh doanh
3.1. Không chọn các ngành nghề kinh doanh pháp luật cấm
Dưới đây là các ngành nghề kinh doanh mà pháp luật cấm:
- Kinh doanh các chất ma túy;
- Mua, bán người, bào thai người, mô, xác, bộ phận cơ thể người;
- Hoạt động kinh doanh liên quan sinh sản vô tính trên người;
- Kinh doanh pháo nổ;
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ;
- Kinh doanh các loại khoáng vật, hóa chất;
- Kinh doanh mẫu vật các loài động vật hoang dã, thực vật có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên, mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
- Kinh doanh mại dâm…
3.2. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Một vài điều kiện điển hình như điều kiện về vốn, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, sức khỏe của cộng đồng hay đạo đức xã hội. Ngoài ra, một số ngành còn có điều kiện khác như:
- Sản xuất mỹ phẩm cần phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm
- Kinh doanh dịch vụ ăn uống thì phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm
- Người có chức danh quản lý dịch vụ môi giới bất động sản phải có chứng chỉ môi giới
Điều kiện này là các yêu cầu từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện các công việc cụ thể trên Giấy phép kinh doanh như mã ngành, nghề, Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Chứng chỉ hành nghề…
Lưu ý, trong quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp, bên cạnh việc ghi mã ngành, tên ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp còn phải ghi chi tiết văn bản pháp luật quy định về điều kiện đối với ngành nghề đó. Ngoài ra, doanh nghiệp chỉ nên đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong trường hợp đó là ngành nghề bắt buộc hay ngành nghề chính mà doanh nghiệp phải lựa chọn. Khi đăng ký các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp cần chuẩn bị giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép con hay giấy phép kinh doanh.
3.3. Ngành nghề kinh doanh chính
Ngành nghề kinh doanh chính là nội dung bắt buộc phải đăng ký khi thành lập doanh nghiệp. Chi cục thuế sẽ căn cứ vào ngành nghề kinh doanh chính để cấp mã chương, loại, khoản cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Ngoài ra, ngành nghề kinh doanh chính còn giúp đối tác nhận biết nhanh chóng và đầy đủ về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.