Phân biệt giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh
Mục lục
Có nhiều người nghĩ rằng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh là giống nhau. Tuy nhiên, về bản chất thì hai loại giấy tờ này lại khác nhau hoàn toàn. Do đó, hãy cùng Phan Law Vietnam phân biệt hai loại giấy tờ này qua bài viết dưới đây nhé!
1. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là gì?
Căn cứ vào Khoản 15 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như sau:
“Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp.”
Như vậy, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là loại giấy chứng nhận của cơ quan hành chính công Nhà nước, ghi nhận một số thông tin cơ bản nhất của doanh nghiệp, là cơ sở để xác định nghĩa vụ bảo hộ quyền sở hữu tên doanh nghiệp của Nhà nước.
2. Giấy phép kinh doanh là gì?
Giấy phép kinh doanh được hiểu là giấy cho phép các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh. Giấy phép kinh doanh được cấp khi doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện đăng ký kinh doanh theo những quy định của pháp luật.
Ngoài ra, có thể hiểu giấy phép kinh doanh là loại giấy được cấp cho các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh ngành nghề có điều kiện, loại giấy này thông thường được cấp sau Giấy đăng ký doanh nghiệp.
Theo Luật Doanh nghiệp quy định, đối với các doanh nghiệp trong nước, các ngành nghề đăng ký sẽ không hạn chế ngoại trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp có quyền:
“Tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.”
Điều kiện kinh doanh là những yêu cầu mà doanh nghiệp phải có, hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề và được thể hiện bằng: giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề; chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc các yêu cầu khác.
Xem thêm: Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
3. Phân biệt giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh
3.1. Ý nghĩa pháp lý
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:
- Là loại giấy tờ do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp nhằm mục đích quản lý và bảo vệ quyền sở hữu tên doanh nghiệp;
- Doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Giấy phép kinh doanh:
- Là văn bản cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cá nhân/tổ chức có đủ điều kiện hoạt động kinh doanh một số ngành, nghề có điều kiện;
- Tùy theo ngành nghề, cá nhân, tổ chức phải thực hiện các thủ tục liên quan để được cấp giấy phép kinh doanh.
3.2. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, dù bạn hoạt động ở ngành nghề nào cũng cần đảm bảo các điều kiện sau:
- Hồ sơ đăng ký theo mẫu hiện hành;
- Ngành, nghề đã đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
- Tên doanh nghiệp phải được đặt theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020;
- Nộp đầy đủ phí, lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định.
– Giấy phép kinh doanh: Với mỗi ngành nghề khác nhau, quy định về điều kiện cấp phép kinh doanh cũng sẽ khác nhau. Khi đó, điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh có thể là: cơ sở vật chất, chứng chỉ hành nghề, bằng cấp, vốn điều lệ, vốn ký cọc hoặc người đại diện theo pháp luật…
3.3. Hồ sơ
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Hồ sơ cơ bản sẽ bao gồm các tài liệu sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Văn bản, giấy tờ hợp lệ đối với từng loại hình doanh nghiệp:
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên;
- Giấy tờ chứng thực cá nhân như CCCD/CMND/hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật;
- Văn bản ủy quyền (trong trường hợp ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ).
Tùy theo loại hình doanh nghiệp mà nội dung văn bản, giấy tờ sẽ khác nhau.
– Giấy phép kinh doanh: Về cơ bản, một bộ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh sẽ bao gồm các thành phần sau:
- Giấy đề nghị xin cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện;
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Bản sao điều lệ công ty;
- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của người đứng đầu doanh nghiệp/cổ đông sáng lập/thành viên góp vốn;
- Tài liệu chứng minh trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực hoạt động;
- Các tài liệu liên quan chứng minh đủ điều kiện kinh doanh đối với từng ngành, nghề cụ thể.
3.4. Hiệu lực hết hạn
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh:
- Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Giấy phép kinh doanh:
- Hầu hết các giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đều có thời hạn sử dụng. Thời hạn cụ thể sẽ tùy thuộc vào ngành nghề cũng như loại giấy phép kinh doanh.
- Khi giấy phép kinh doanh hết hạn, cá nhân/tổ chức phải làm thủ tục gia hạn hoặc gia hạn để có thể tiếp tục kinh doanh ngành nghề kinh doanh đó.