Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân bao gồm các loại hình nào?
Mục lục
Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân bao gồm các loại hình nào là vấn đề mà Phan Law Vietnam cùng bạn tìm hiểu ngay sau đây. Việc thành lập doanh nghiệp có tư cách pháp nhân giúp chủ doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát vốn đầu tư, hạn chế rủi ro trong quá trình hoạt động.
Điều kiện có tư cách pháp nhân của doanh nghiệp
Pháp nhân được hiểu là một tổ chức (một chủ thể pháp luật) có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội…theo quy định của pháp luật.
Cụ thể Điều 74 Bộ luật dân sự 2015, một tổ chức được pháp luật thừa nhận là pháp nhân khi đáp ứng đủ 4 điều kiện:
♦ Được thành lập hợp pháp;
♦ Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
♦ Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
♦ Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Doanh nghiệp phải đáp ứng đồng thời cả 04 điều kiện này thì mới được xem là có tư cách pháp nhân. Ngược lại, chỉ cần thiếu 01 trong số các điều kiện thì được xác định là không có tư cách pháp nhân.
Các ưu điểm của doanh nghiệp có tư cách pháp nhân
Thành lập doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, bạn sẽ nhận được các ưu điểm sau:
- Tư cách pháp nhân giúp phân định tài sản giữa doanh nghiệp và thành viên doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể bảo vệ tài sản khỏi những khoản nợ của cá nhân các thành viên. Một khi khối tài sản của doanh nghiệp được bảo vệ như vậy, doanh nghiệp mới có thể tự do sử dụng, có tài sản để đảm bảo cho những người cho vay của doanh nghiệp.
- Cũng nhờ việc phân tách tài sản của doanh nghiệp với tài sản của các thành viên, nó cho phép các chủ nợ của doanh nghiệp có quyền ưu tiên xiết nợ đối với tất cả các loại tài sản của doanh nghiệp. Đây cũng là lý do nhiều người cảm thấy an tâm khi ký hợp đồng với các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân hơn.
- Chủ doanh nghiệp có thể kiểm soát được rủi ro trong các khoản đầu tư của mình. Hoàn toàn yên tâm về phần tài sản cá nhân không liên quan gì đến doanh nghiệp, cũng không cần phải quan tâm đến hành vi và khả năng thanh toán của các thành viên khác trong doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp có khả năng phân chia rủi ro khi tách biệt các lĩnh vực kinh doanh chẳng hạn như thành lập các công ty con, đầu tư vào các dự án khác nhau. Khi đó tài sản gắn liền với mỗi pháp nhân có thể được tách biệt và bảo đảm. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp lớn có khả năng thế chấp một phần tài sản làm đảm bảo khi vay nợ dễ dàng hơn, từ đó giúp chủ nợ khoanh vùng khối lượng tài sản cần theo dõi.
Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân bao gồm các loại hình nào?
Đối chiếu giữa điều kiện để có tư cách pháp nhân và đặc điểm pháp lý của các loại hình doanh nghiệp, chúng ta thấy rằng các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân bao gồm:
☛ Công ty cổ phần
Theo khoản 2 Điều 111 Luật doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Công ty cổ phần được thành lập có tài sản độc lập đối với các cá nhân, tổ chức khác. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, hoàn toàn không “dính líu” đến tài sản riêng của cá nhân mình. Đồng thời, Công ty cổ phần cũng nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập thông qua người đại diện theo pháp luật của công ty.
☛ Công ty TNHH
Luật doanh nghiệp 2020 quy định công ty TNHH sẽ có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ nằm trong phạm vi số vốn góp vào công ty, chính vì thế có sự tách biệt rõ rệt giữa tài sản của công ty với tài sản của cá nhân, tổ chức khác và công ty sẽ tự chịu trách nhiệm bằng chính tài sản đó của mình.
☛ Công ty hợp danh
Theo khoản 2 Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020, công ty hợp danh được pháp luật thừa nhận là có tư cách pháp nhân khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Khi công ty hợp danh đang hoạt động bình thường, có khả năng tự chịu mọi trách nhiệm bằng tài sản của công ty thì nghĩa vụ của công ty hoàn toàn không liên quan đến tài sản của các thành viên hợp danh. Chỉ trong trường hợp tài sản của công ty không đủ để chịu trách nhiệm thì tài sản của các thành viên hợp danh mới được sử dụng đến. Do đó, công ty hợp danh vẫn có tài sản độc lập với thành viên hợp danh của công ty đó.